Thị trường 6 tỷ USD lao đao, đại gia ngoại tìm cửa mới

Là thị trường tiềm năng với tổng giá trị khoảng 6 tỷ USD/năm, song năm 2019 nhiều doanh nghiệp TACN lại gặp nhiều khó do dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Một số đại gia ngoại trong ngành nhanh chọn phát triển thị trường ngách để thoát khủng hoảng.

Đại gia ganh đua chiếm thị trường 6 tỷ USD

Mới đây, chia sẻ về ngành chăn nuôi Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam sau 20 năm hội nhập và phát triển luôn duy trì tốc độ phát triển rất cao, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp bứt phá, đảm bảo được nhu cầu thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Năng suất và chất lượng trong ngành chăn nuôi ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nhiều lĩnh vực trong chăn nuôi đạt được thứ hạng cao ở khu vực, như công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghệ chế biến sữa và năng suất bò sữa đứng số 1 ASEAN, quy mô đàn lợn đứng thứ 6 thế giới, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới,... Do đó, đây là thị trường tiềm năng cho ngành thức ăn chăn nuôi phát triển, ông Dương nhận định.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, ngành chăn nuôi của nước ta hiện cần khoảng 16-18 triệu tấn TACN/năm với tổng trị giá khoảng 6 tỷ USD. Đến năm 2020, theo báo cáo của Grand View Research, quy mô thị trường TACN của Việt Nam có thể sẽ đạt mức 10,55 tỷ USD và cần tới 25-26 triệu tấn TACN.

Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện cần khoảng 16-18 triệu tấn TACN/năm với tổng trị giá khoảng 6 tỷ USD

Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện cần khoảng 16-18 triệu tấn TACN/năm với tổng trị giá khoảng 6 tỷ USD

Những năm qua, Việt Nam phải chi 3 tỷ USD/năm để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu để sản xuất. Với tốc độ tăng trưởng từ 10-15%/năm, ngành này rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nhất là những doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, hiện công ty có 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên cả nước, tổng công suất 4,2 triệu tấn/năm. Trong đó, một số nhà máy đặt tại Đồng Nai và C.P dự tính vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất ở lĩnh vực này.

Thực tế, những năm gần đây, cả doanh nghiệp nội và ngoại đổ hàng chục tỷ USD để mở rộng thị phần của mình.

Đơn cử, vào cuối năm ngoái, Tập đoàn Sunjin Việt Nam tiếp tục đưa vào hoạt động nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 4 tại Hà Nam với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD, công suất 240.000 tấn sản phẩm/năm. Ba nhà máy còn lại đang hoạt động ở các tỉnh Hưng Yên, Tiền Giang và Đồng Nai

Tương tự, tháng 12 năm ngoái, Leong Hup International Bhd thuộc tập đoàn Emivest Feedmill Vietnam cũng khai trương nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ tư của mình với công suất 1,1 triệu tấn/năm để chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trong ngành chăn nuôi,...

Gần đây, các tập đoàn trong nước như: Masan, Hòa Phát, Hùng Vương,... cũng có sự đầu tư lớn vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi với mong muốn “lội ngược dòng”, giành lại thị phần từ các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, Masan đã mua lại Proconco, Anco, Green Feed vươn lên vị trí cung ứng thức chăn nuôi lớn thứ 2 trên cả nước và trở thành tập đoàn Việt Nam lớn nhất trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Chuyển hướng sang thị trường ngách

Dù được đánh giá là tiềm năng, với tốc độ phát triển ổn định, song năm 2019 ngành chăn nuôi lại gặp khủng hoảng chưa từng có khi dịch tả châu Phi hoành hành. Bởi, chăn nuôi lợn vốn được xem là động lực chính của ngành TACN.

Năm nay, dịch tả lợn châu Phi khiến gần 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, một bộ phận rất lớn người chăn nuôi treo chuồng vì sợ dịch đã kéo theo nhu cầu TACN sụt giảm mạnh, ngành chăn nuôi gặp khó khăn.

Giữa tháng 7 - đỉnh điểm của dịch tả châu Phi tại miền Nam, ông Nguyễn Quang Hóa, Giám đốc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương, than thở, nhà máy sản xuất TACN của ông gần như chỉ hoạt động với nửa công suất vì một số trại nuôi heo là khách hàng của công ty bị dính bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tại buổi lễ khánh thành nhà máy TACN có vốn đầu tư 20 triệu Euro nằm trong khu công nghiệp Hòa Mạc (Hà Nam), ông Pierre Duprat - Chủ tịch nhóm ngành Dinh dưỡng Vật nuôi của Tập đoàn ADM, cho biết, đây là nhà máy thứ 5 của tập đoàn tại Việt Nam, với công suất thiết kế ước đạt 300.000 tấn TACN/năm.

Song, ông Pierre Duprat cho hay, nhà máy không chỉ sản xuất thức ăn cho lợn, gia cầm, thủy sản mà còn mở rộng sang các phân khúc như thức ăn cho thỏ, cho ngựa, cho chó,... Đây là chiến lược của tập đoàn trong việc đi sâu vào thị trường ngách. Phân khúc thị trường ngách còn rất tiềm năng, mới bắt đầu khai mở.

Trong khi đó, ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus - thừa nhận những khó khăn của ngành khi dịch ASF diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng. Theo đó, họ cũng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình trong nửa cuối năm 2019. Thay vì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ như kế hoạch cuối năm 2018 xây dựng, năm nay mục tiêu chỉ bằng năm trước.

Theo ông Pierre Duprat, cách đây khoảng chục năm, ở Việt Nam có dịch cúm gia cầm, kéo theo đó, doanh thu của đơn vị này giảm mạnh do nhu cầu TACN sụt giảm mạnh. Nhờ có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, kết quả, doanh thu của tập đoàn vẫn ổn định.

Lưu Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/thi-truong-6-ty-usd-lao-dao-vi-dich-benh-dai-gia-ngoai-tim-cua-ngach-592019.html