Thị trường AI sẽ đạt gần 1.000 tỉ đô la vào năm 2027
Quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu dự kiến đạt gần 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027 trong bối cảnh công nghệ này tạo ra sự tăng trưởng đột phá cho nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo hãng tư vấn quản lý Bain & Co., cơn bùng nổ nhu cầu này có thể gây căng thẳng chuỗi cung ứng linh kiện, dẫn đến tình trạng thiếu chip, máy tính cá nhân và điện thoại thông minh.
Thị trường phần cứng và phần mềm liên quan đến AI dự kiến tăng trưởng kép từ 40-55% hàng năm để đạt giá trị từ 780- 990 tỉ đô la Mỹ vào 2027, theo báo cáo công nghệ toàn cầu thường niên lần thứ năm của Bain, công bố hôm 25-9.
Báo cáo cung cấp cấp dự báo về các làn sóng tăng trưởng mới trong ngành công nghệ nhờ những tiến bộ nhanh chóng của AI. Theo đó, ba lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao bao gồm, mô hình AI và trung tâm dữ liệu công suất lớn, các sáng kiến AI chủ quyền và doanh nghiệp cũng như tính hiệu quả và khả năng của phần mềm AI
Theo David Crawford, chủ tịch bộ phận tư vấn công nghệ toàn cầu của Bain, các công ty đang vượt qua giai đoạn thử nghiệm và bắt đầu mở rộng áp dụng AI toàn diện trên khắp các mảng hoạt động.
“Khi mở rộng áp dụng AI, các giám đốc công nghệ thông tin sẽ cần duy trì các giải pháp AI ở cấp độ sản xuất để phép doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng”, ông nói.
Bain ước tính, khối lượng công việc mà AI xử lý trên toàn cầu có thể tăng 25-35% mỗi năm cho đến năm 2027. Khi AI mở rộng quy mô phổ cập, nhu cầu về sức mạnh điện toán cũng sẽ tăng mạnh, thúc đẩy sự tăng trưởng của các trung tâm dữ liệu công suất lớn trong 5-10 năm tới. Nhu cầu AI sẽ thúc đẩy công suất của trung tâm dữ liệu, từ mức phổ biến 50-200 MW hiện nay, lên hơn 1 GW.
Điều này có nghĩa là chi phí đầu tư cho một trung tâm dữ công suất lớn sẽ tăng lên 10-25 tỉ đô la trong 5 năm tới, từ mức 1-4 tỉ đô la hiện tại. Thay đổi này dự kiến tác động rất lớn đến hệ sinh thái hỗ trợ các trung tâm dữ liệu, gồm kỹ thuật cơ sở hạ tầng, sản xuất điện và công nghệ làm mát, cũng như gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, nhu cầu về chip xử lý đồ họa (GPU) liên quan đến AI có thể làm tăng tổng nhu cầu đối với một số thành phần thượng nguồn (quy trình thiết kế) của ngành bán dẫn lên 30% hoặc hơn vào năm 2026. Tuy nhiên, cùng với các căng thẳng địa chính trị, nhu cầu phần cứng và phần mềm AI tăng nhanh có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip, máy tính cá nhân và điện thoại thông minh.
Nếu nhu cầu GPU thế hệ hiện tại ở các trung tâm dữ liệu tăng gấp đôi vào năm 2026, thì không chỉ các nhà cung cấp linh kiện chip quan trọng cần tăng sản lượng mà các nhà sản xuất linh kiện đóng gói chip cũng cần tăng gần gấp ba công suất sản xuất để theo kịp.
Các mối lo ngại về dữ liệu, bảo mật và quyền riêng tư liên quan đến AI đang thúc đẩy cuộc chạy đua phát triển AI chủ quyền. Nhiều chính phủ, trong đó có Canada, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang chi hàng tỉ đô la để trợ cấp cho AI chủ quyền. Các nước này đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện toán trong nước và mô hình AI được đào tạo dựa trên dữ liệu địa phương.
Theo Anne Hoecker, người đứng đầu bộ phận công nghệ thị trường châu Mỹ của Bain, sẽ rất tốn kém thời gian và chi phí để thiết lập thành công các hệ sinh thái AI chủ quyền thành công. Các nhà phát triển trung tâm dữ liệu và các công ty công nghệ lớn khác có thể tiếp tục đầu tư vào các hoạt động AI được bản địa hóa để đảm bảo lợi thế cạnh tranh.
Theo Bain, khi doanh nghiệp đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc quản lý nhà cung cấp, bảo vệ dữ liệu và kiểm soát tổng chi phí sở hữu dịch vụ AI, nhu cầu mô hình ngôn ngữ nhỏ, bản địa hóa sẽ tăng lên.
Theo Bloomberg, Bain.com
.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-ai-se-dat-gan-1-000-ti-do-la-vao-nam-2027/