Thị trường bán lẻ dự báo sôi động hơn trong năm 2025
Thị trường bán lẻ dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025 nhờ sự lạc quan về triển vọng kinh tế, tăng trưởng thu nhập và mặt bằng lãi suất giảm.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ năm 2024 chưa đạt như kỳ vọng
Báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, năm 2024, xu hướng tiêu dùng nổi lên xu hướng là mặc dù lạc quan hơn về triển vọng kinh tế trong tương lai, người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu khi tăng trưởng thu nhập thực còn yếu. Đồng thời, lãi suất huy động và vay tiêu dùng có giảm nhưng tiết kiệm tăng và sự phục hồi của vay tiêu dùng còn chậm.
Sự thận trọng trong chi tiêu của người tiêu dùng khiến cho tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng không có quá nhiều cải thiện trong năm 2024. Tuy nhiên, tiêu dùng hàng thiết yếu ổn định trong khi các nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu (đồ gia dụng, ô tô) đều đang trong xu hướng đi lên.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, con số của cùng kỳ năm 2023 là tăng trưởng 9,3%. Trong đó, tỷ trọng bán lẻ chiếm cao, luôn duy trì từ 60 - 70%.
Điểm sáng trong bức tranh bán lẻ năm 2024 chính là thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, doanh thu thương mại điện tử tăng cao, chiếm trung bình khoảng 20% trong tổng mức bán lẻ.
Tại Hội thảo Phát triển kinh tế số ngành Công Thương, với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ” diễn ra mới đây, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số.
Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu B2C đạt 20,5 tỷ USD. Năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 20%, với quy mô doanh thu B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) vượt mốc 20,5 tỷ USD. Với kết quả khả quan nêu trên, dự báo, năm 2024, quy mô thị trường bán lẻ sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.
Cùng với mức tăng của thương mại điện tử, năm 2024 khép lại với những tín hiệu tích cực từ các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Theo MBS, các chuỗi bán lẻ ICT-CE (công nghệ - điện tử) ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng trung bình 1,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ngành trang sức và tạp hóa cũng có những bước tiến vững chắc với mức tăng trưởng lần lượt 10% và đạt lãi ròng trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng thắt chặt chi tiêu sau đại dịch vẫn hiện hữu, khiến tổng doanh thu bán lẻ chỉ đạt mức tăng trưởng 5,8%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước COVID-19.
Các chuỗi bán lẻ thực phẩm như Bách Hóa Xanh (BHX) và WinCommerce (WCM) ghi nhận sự phục hồi ấn tượng trong năm 2024 với doanh thu trung bình tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ thu hút lượng khách hàng từ các chợ truyền thống. Sau khi đạt lợi nhuận ròng trong năm 2024, hai chuỗi này được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng trong năm 2025, tận dụng xu hướng tiêu dùng chuyển dịch sang mô hình bán lẻ hiện đại.
Ngành bán lẻ dược phẩm tiếp tục là điểm sáng khi các chuỗi nhà thuốc hiện đại như Long Châu, An Khang và Pharmacity ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Từ năm 2019-2024, Long Châu dẫn đầu với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 74%, đẩy tỷ lệ thâm nhập của nhà thuốc hiện đại từ 2% lên 8%.
Tín hiệu tích cực cho năm 2025
Cũng theo báo cáo của MBS, trong năm 2025, tăng trưởng của lĩnh vực tiêu dùng có thể cải thiện hơn nữa nhờ sự lạc quan về triển vọng kinh tế, tăng trưởng thu nhập và mặt bằng lãi suất giảm.
Bên cạnh đó, lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ kỳ vọng tích cực hơn năm 2024 do thu nhập khả dụng của người dân cải thiện kích thích chi tiêu. Đồng thời, nguồn tích lũy cải cách tiền lương khu vực công năm 2024 chuyển sang thực hiện trong năm 2025 sẽ tạo nguồn chi tiêu. Thêm nữa, lãi suất đi vay giảm và thị trường bất động sản phục hồi tạo hiệu ứng gia tăng tài sản đối với tầng lớp trung lưu.
Bước sang năm 2025, với sự lan tỏa mạnh mẽ từ khu vực sản xuất, thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể. Điều này sẽ tạo động lực phục hồi cho nhiều phân khúc bán lẻ, đặc biệt là ngành tạp hóa và dược phẩm. Dự báo, tổng số cửa hàng vật lý của các chuỗi tạp hóa lớn như Bách Hóa Xanh (BHX) và WinCommerce (WCM) sẽ tăng 9% trong năm, hỗ trợ tăng trưởng doanh thu toàn ngành.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đồng thuận cho rằng, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp bán lẻ chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, có kỹ thuật.
Song song với đó, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên ngày càng cạnh tranh với sự xuất hiện của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài và các thương hiệu lớn. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước, buộc họ phải liên tục cải tiến, điều chỉnh giá cả và tìm kiếm các chiến lược mới để duy trì thị phần.
Do đó, với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước được khuyến cáo không chỉ cạnh tranh về giá bán mà còn cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng tiện ích, giá trị, cảm xúc và trải nghiệm mua sắm… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Theo một nghiên cứu từ Savills Việt Nam, thị trường bán lẻ và bất động sản bán lẻ tại Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhờ nền kinh tế ổn định, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, với hạ tầng giao thông cải thiện và quy mô dân số lớn, tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu không gian bán lẻ, thu hút sự quan tâm từ các thương hiệu quốc tế.