Thị trường bán lẻ khởi sắc, lạm phát được kiềm chế dưới mức 4%

Sau hai năm liên tục giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2022 đã bật tăng mạnh trở lại, tạo đà cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 tiếp tục phục hồi phát triển. CPI cả năm 2022 được kiểm soát ở mức khoảng hơn 3% (mức Quốc hội đề ra 4%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8%

Nhìn lại năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19 và thị trường thế giới có biến động lớn, nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao.

Trong năm 2022, các địa phương đã triển khai tích cực và hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa để vừa hỗ trợ tiêu thụ hàng sản xuất trong nước vừa dự trữ đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm. Do đó, thị trường hàng hóa nói chung và các mặt hàng thiết yếu nói riêng cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân ở mọi miền trên cả nước.

Thị trường bán lẻ khởi sắc, lạm phát được kiềm chế tăng dưới mức 4%. Ảnh: NM

Thị trường bán lẻ khởi sắc, lạm phát được kiềm chế tăng dưới mức 4%. Ảnh: NM

Các tỉnh, thành phố có doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2022 tăng trưởng cao là TP. Hồ Chí Minh tăng 26,4%; Đà Nẵng tăng 14,7%; Cần Thơ tăng 14,2%; Đồng Nai tăng 13,7%; Quảng Ninh tăng 12,1%; Hà Nội tăng 12%; Hải Phòng tăng 10,4%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).

Các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của nhà nước đã phát huy hiệu quả, hoạt động của doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Đại diện doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc thường trực Vincommerce, cũng chia sẻ, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường, trong năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp đã “chung tay” cùng cơ quan nhà nước triển khai mạnh các hoạt động kết nối hàng hóa, cùng rất nhiều chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt.

“Nhờ đó, tỷ lệ hàng Việt qua hệ thống phân phối - bán lẻ luôn đạt trên 80%. Phát huy thành quả này, trong năm 2023, với sự đồng hành và hỗ trợ của Bộ Công thương, WinMart sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các chương trình tuần hàng Made in Vietnam - Tinh hoa hàng Việt quy mô lớn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh” - bà Nguyễn Thị Phương bày tỏ.

Không chủ quan với thành quả kiềm chế lạm phát

Theo chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của nhà nước đã phát huy hiệu quả, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố, phục hồi và phát triển. Thị trường hàng hóa thiết yếu nói chung tương đối ổn định, CPI cả năm 2022 được kiểm soát ở mức tăng hơn 3% (dưới mức 4% Quốc hội giao) là thành công của Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp… Đây là nỗ lực rất lớn của của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát, nhất là trong bối cảnh lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới lập đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên không thể chủ quan với thành quả đạt này, do nhiều yếu tố khách quan chủ quan áp lực lạm phát trong năm 2023 là rất lớn.

Nhu cầu mua sắm hàng đón Tết Nguyên đán 2023 đang gia tăng. Ảnh: Hải Anh

Nhu cầu mua sắm hàng đón Tết Nguyên đán 2023 đang gia tăng. Ảnh: Hải Anh

Theo các chuyên gia kinh tế, Quốc hội đã đề ra mức tăng CPI năm 2023 khoảng 4,5%, cao hơn năm 2022 mặc dù trong năm 2022 cho thấy Quốc hội cũng lường trước áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn.

Các yếu tố làm gia tăng lạm phát đang hiện hữu, được các chuyên gia kinh tế chỉ ra rất đáng chú ý như diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới ẩn chứa rủi ro tăng khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hơn nữa sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.

Bên cạnh đó, năm 2023 một số sắc thuế hết hiệu lực; thực hiện tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023; khởi công một loạt dự án lớn… sẽ làm giá cả một số mặt hàng tăng lên, đặc biệt là xăng dầu. Vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023.

Các chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra lo ngại áp lực lạm phát có xu hướng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2023, do hàng hóa, dịch vụ tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán 2023, nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì lạm phát sẽ trở thành rào cản ngược đối với tăng trưởng kinh tế. Giá cả xăng, dầu trong năm 2023 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, đang có xu hướng tăng trở lại...

Năm 2023, áp lực lạm phát vẫn rất lớn, đòi hỏi Chính phủ điều hành thận trọng, linh hoạt. Cùng với việc hỗ trợ phục hồi kinh tế và tăng lương, tăng thu nhập, Chính phủ cần đẩy mạnh kiềm chế lạm phát và nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường, đồng thời kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tài sản công.

Chính phủ tiếp tục có các biện pháp kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá xăng, dầu, vật tư nông nghiệp và giá các loại hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Đồng thời, cần có biện pháp để tránh tình trạng khi giá xăng, dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác tăng theo.

Theo các chuyên gia kinh tế, để ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2023, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và đặc biệt là đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhưng không được chủ quan với rủi ro lạm phát.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-ban-le-khoi-sac-lam-phat-duoc-kiem-che-duoi-muc-4-119640.html