Thị trường bán lẻ nhìn từ 'cú bắt tay' giữa KIDO và Sơn Kim
Việc công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (KIDO Group - HoSE: KDC) và Sơn Kim Group bắt tay nhau phát triển mảng bán lẻ và sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu cho thấy, đây là thị trường béo bở và sẽ thu hút thêm nhiều 'ông lớn' là doanh nghiệp nội tham gia trong thời gian tới.
Theo dự kiến của hai tập đoàn này, đến cuối năm 2022 các sản phẩm thuộc chuỗi Chuk Chuk của KIDO sẽ có mặt tại tất cả các cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống GS25 của Sơn Kim Group. Trong giai đoạn tiếp theo, hai tập đoàn này cũng sẽ tiến hành đánh giá xem xét kết hợp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm…
''Vẽ lại'' bản đồ phân phối bán lẻ
Được biết, KDC đang dẫn đầu thị trường kem với 43,4% thị phần (trong đó thương hiệu Merino chiếm 24,8% và thương hiệu Celano chiếm 17,4% thị phần) và đứng thứ 2 ngành dầu tại Việt Nam với các thương hiệu Tường An, Cooking Oil, Marvela... Còn Sơn Kim là Tập đoàn đa ngành không chỉ trong ngành sản xuất và bán lẻ, mà còn hoạt động trong mảng bất động sản, cụ thể bất động sản phân khúc cao cấp.
Với sự kết hợp này, hai bên kỳ vọng sẽ tạo ra được một hệ thống chuẩn, tiên phong trong ngành sản xuất thực phẩm hỗ trợ cho chuỗi cung ứng của các bên và từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhưng không phải khi KIDO và Sơn Kim kết hợp với nhau thì câu chuyện sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ mới được xới lên. Trước đó, đã có những đợt mua bán, sáp nhập làm thay đổi cục diện thị trường bán lẻ tiêu dùng trong nước. Chẳng hạn như Masan đã mua lại chuỗi siêu thị VinMart (bắt đầu đổi tên thành Winmart+) từ Vingroup. Nhờ đó, vốn hóa của đơn vị này không ngừng tăng nhờ được hưởng lợi từ dịch Covid-19.
Cuối tháng 5/2021, Masan tiếp tục mua 20% cổ phần chuỗi cà phê, trà Phúc Long. Cùng thời điểm này Masan và Alibaba bắt tay hợp tác kinh doanh. Theo đó, Alibaba rót 400 triệu USD vào The Crownx, một công ty con của Masan. The Crownx là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan.
Đến tháng 9/2021, Masan mua lại 70% cổ phần từ Mobicast, chính thức lấn sân sang lĩnh vực viễn thông và dịch vụ số. Không dừng lại ở đó, Masan và Alibaba bắt tay hợp tác kinh doanh.
Việc bắt tay với hàng loạt doanh nghiệp khác giúp Masan gia tăng sức cạnh tranh, đồng thời góp phần chuyển đổi ngành tiêu dùng-bán lẻ Việt theo hướng hiện đại hóa.
Không chỉ mua bán, sáp nhập với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp Việt cũng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường M&A. Cụ thể là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã mua lại 100% cổ phần của đại siêu thị Emart của Hàn Quốc. Sau đợt nhượng quyền này, có khả năng siêu thị Emart sẽ được Thaco mở đến con số 10 vào năm 2025.
Hay Saigon Co.op cũng nhận chuyển giao tất cả hoạt động của nhà bán lẻ Auchan (Pháp) gồm 15 cửa hàng bán lẻ lẫn mảng thương mại điện tử, nền tảng online. Việc này đánh dấu sự rút lui của Auchan tại thị trường Việt Nam.
Thực tế cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe và thay đổi liên tục nên nếu doanh nghiệp không nhanh nhạy thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Và để đón đầu thị trường, bù đắp những thiếu hụt của mình, việc các doanh nghiệp bán lẻ bắt tay nhau cùng phát triển được cho là cách làm nhanh và phù hợp nhất.
Không dễ để giữ thị phần
Có thể thấy, bán lẻ vốn là miếng bánh hấp dẫn đối với các đơn vị kinh doanh vì Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ và mức chi tiêu ngày càng tăng. Theo nghiên cứu của World Bank, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam vào năm 2020 chiếm 13% tổng dân số và sẽ đạt 26% vào năm 2026. Sự tăng trưởng này sẽ tạo ra những thay đổi lạc quan trong tổng chi tiêu tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, mảng kinh doanh này trước đây vốn được các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thì thời gian gần đây, gió đã đổi chiều.
Theo thống kê, nếu như năm 2018, giá trị giao dịch của các thương vụ mua bán, sáp nhập do doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chỉ chiếm tỷ trọng 11,8% thì giai đoạn 2019-2020, giá trị các thương vụ do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đã tăng gần gấp 3, chiếm trên 30% tổng giá. Điều này cho thấy dịch Covid-19 chính là cơ hội cho các thương vụ mua bán, sáp nhập và từng bước giúp các doanh nghiệp nội làm chủ thị trường.
Nếu như doanh nghiệp nội hoạt động đơn lẻ thì rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Nhưng nay, M&A giúp các doanh nghiệp bù đắp cho nhau, mở rộng nguồn vốn, thị trường và tận dụng được những thế mạnh sẵn có của mình. Nếu biết nắm bắt thị trường thì giá trị giao dịch của các thương vụ mua bán, sáp nhập do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ sẽ tiếp tục tăng.
Trao đổi với Vnbusiness, các chuyên gia cho rằng, đợt dịch thứ 4 đang diễn ra với quy mô và tốc độ lớn hơn 3 lần trước đó. Thị trường bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục tăng giống như các lần trước đó khi làn sóng dịch này được đẩy lùi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc làm chủ thị trường đã khó, việc giữ lại thị phần còn khó hơn. Do đó, các hệ thống phân phối, các nhà bán lẻ Việt Nam cần có chủ trương ưu tiên cho hàng hóa Việt. Thí dụ, hàng hóa nông sản thực phẩm cần có được sự cam kết tiêu thụ của các nhà bán lẻ mà không bị ép giá, ép cấp hoặc đưa những mức chiết khấu cao vô lý đối với hàng hóa kí gửi đại lý, gây thiệt hại cho người sản xuất...
Điều cần thiết là bán lẻ phải luôn luôn gắn kết với vùng sản xuất hàng hóa Việt, nhất là hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam đang có thế mạnh, nhằm bảo đảm ổn định cho đầu vào của hệ thống phân phối Việt. Thêm vào đó, giữa sản xuất và nhà bán lẻ Việt phải có mối quan hệ giao dịch mua bán minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh; loại bỏ hiện tượng ép giá, đưa những mức chiết khấu cao đối với hàng ký gửi đại lý, gây thiệt hại cho người sản xuất.
Rõ ràng, miếng bánh bán lẻ tuy rất tiềm năng nhưng việc rút lui của các doanh nghiệp ngoại cho thấy tham vọng chiếm lĩnh thị trường không hề dễ dàng. Doanh nghiệp bán lẻ cần dự báo được tác động của thị trường, nhất là công nghệ đến lĩnh vực của mình. Khảo sát của Nielsen gần đây cho thấy, 64% người tiêu dùng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn và 63% sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch. Chính vì vậy, việc tạo ra hệ sinh thái đa kênh sẽ giúp các doanh nghiệp vượt khó thành công.
Điều này cũng được Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam TS. Đinh Thị Mỹ Loan nhắc lại trong một hội thảo gần đây, để giữ vững thị phần, điều cốt yếu là DN phải nắm bắt các xu hướng bán lẻ mới, thay đổi chiến lược kinh doanh theo tín hiệu của thị trường sao cho phù hợp hành vi mua sắm hiện tại.
"Các DN một mặt vẫn phải duy trì tốt bán hàng trực tiếp để ổn định điểm cung, nhưng đồng thời cũng phải tìm kiếm cơ hội mới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay", TS Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh.