Làm giàu từ ươm giống cây lâm nghiệp và trồng rừng

Nhận thấy nhu cầu cây giống để trồng rừng kinh tế lớn, từ năm 2014, anh Lý Chủ Phát (SN 1981), dân tộc Dao, thôn Trại Lán, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã đầu tư vườn ươm. Sau 10 năm, vườn ươm của gia đình anh được nhiều người biết đến, mang lại nguồn thu lớn.

Sáng cuối tuần, tôi cùng lãnh đạo UBND xã Vô Tranh tới thăm mô hình ươm giống cây lâm nghiệp của gia đình anh Lý Chủ Phát. Dù đã hẹn trước song chúng tôi phải chờ gần 30 phút chủ nhà mới về.

 Anh Lý Chủ Phát kiểm tra cây giống trước khi giao cho khách.

Anh Lý Chủ Phát kiểm tra cây giống trước khi giao cho khách.

Thấy khách đến, anh Phát nói: “Các anh thông cảm, sáng nay tôi vào rừng sớm hướng dẫn người dân xuống giống bạch đàn mới tại cánh rừng bị ảnh hưởng bởi bão số 3”. Nói rồi, anh nhanh nhảu mời khách vào nhà, pha nước uống.

Hơn chục năm về trước, bố mẹ anh cũng như nhiều gia đình bà con dân tộc Dao ở đây đều nghèo. Học xong lớp 12, được bố mẹ động viên, anh thi vào Khoa Khuyến nông - Khuyến lâm của Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc (Quảng Ninh). Tốt nghiệp, anh cùng một số người bạn vào các tỉnh Tây Nguyên làm hợp đồng tại các lâm trường.

Đến năm 2008, anh trở về quê hương xây dựng gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng. Bằng sức trẻ cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, từ số tiền tiết kiệm được sau nhiều năm làm thuê, năm 2011, vợ chồng anh mua 5 ha rừng của các hộ trong thôn.

Nhận thấy giống bạch đàn đang có trên diện tích rừng mới mua năng suất thấp, thời gian sinh trưởng chậm, 2 năm sau, vợ chồng anh quyết định thu hoạch sớm, bán toàn bộ bạch đàn hơn 3 năm tuổi để chuyển sang trồng bạch đàn DH32-29. Theo anh, đây là giống mới được ươm bằng phương pháp cấy mô, đã được một số chủ rừng ở tỉnh Quảng Ninh đưa vào trồng.

“Khác với giống bạch đàn cũ có chu kỳ khai thác lên đến 7-8 năm, bạch đàn mô có thể cho khai thác sau 4-5 năm. Cây có bộ rễ khỏe, bám đất mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt hơn hẳn so với bạch đàn trồng hạt”, anh Phát cho biết.

 Với 1,5 ha vườn ươm, anh Lý Chủ Phát tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 7 lao động địa phương.

Với 1,5 ha vườn ươm, anh Lý Chủ Phát tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 7 lao động địa phương.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn ươm, anh Phát kể, đầu năm 2014, thấy bạch đàn giống mới của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều hộ dân trong thôn, xã cũng chuyển sang làm theo, đưa giống mới vào trồng tại các cánh rừng sau khai thác.

Để có giống cung ứng cho người dân, anh vay ngân hàng 200 triệu đồng phát triển vườn ươm. Xác định chất lượng cây giống quyết định chất lượng, năng suất và giá trị rừng trồng, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh chỉ nhập, ươm giống mới bằng phương pháp cấy mô. Các giống chủ yếu gồm: Bạch đàn DH32-26, U16; keo BV10, BV16. Hiện với 1,5 ha vườn ươm, mỗi năm, gia đình anh đưa ra thị trường hơn 3 triệu cây giống, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, hiện vườn ươm của gia đình anh tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Có vốn, anh Phát tiếp tục đầu tư, mua thêm đất rừng và trở thành “điểm sáng” ở xã Vô Tranh trong trồng rừng kinh tế. Hiện trên diện tích 18 ha đất rừng, vợ chồng anh trồng toàn bộ bạch đàn cấy mô DH32-29, U16.

Cùng với đưa giống mới vào trồng, với mỗi ha rừng anh đầu tư hơn 30 triệu đồng để chăm sóc. Nhờ đó rút ngắn chu kỳ khai thác, tăng giá trị. Giữa năm nay, gia đình anh thu hoạch 4 ha bạch đàn 4,5 năm tuổi, trừ chi phí lãi 120 triệu đồng/ha.

Ông Bùi Quang Chúc, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: “Thấy hiệu quả từ rừng kinh tế của gia đình anh Lý Chủ Phát, Đảng ủy, UBND xã tuyên truyền, khuyến khích người dân trong xã chuyển sang trồng giống mới. Nhờ đó giá trị kinh tế rừng của xã không ngừng tăng lên, đạt gần 40 tỷ đồng/năm. Từ trồng rừng đời sống người dân trong xã được nâng lên, toàn xã chỉ còn 132 hộ nghèo, chiếm 5,09%; số hộ cận nghèo còn 39 hộ, chiếm 1,5%".

Bài, ảnh, clip: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/lam-giau-tu-uom-giong-cay-lam-nghiep-va-trong-rung-224352.bbg