Thị trường bánh Trung thu 2022: Nhộn nhịp, cháy hàng trước ngày cận rằm
Trái ngược với cảnh 'đìu hiu' 2 năm trước, các quầy bánh trung thu năm nay có phần nhộn nhịp hơn, người mua kẻ bán tấp nập, nhiều quầy đã 'cháy hàng' và dọn rạp sớm hơn dự kiến cả tuần lễ.
Sau 2 năm thị trường khá trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay thị trường bánh Trung thu khởi động sớm, càng cận ngày rằm sức tiêu thụ càng khởi sắc. Từ khoảng 1 tháng trước, tại siêu thị, quầy hàng, tạp hóa ở các chợ bánh đã bày bán khá đa dạng, phong phú.
Theo ghi nhận tại khu vực phố Liễu Giai (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội), nơi có tới 5 quầy bánh trung thu của các thương hiệu khác nhau như: Thu Hương, Kinh Đô, Madam Huong, MaiSon, Long Đình cho thấy, thời điểm này nhiều quầy bánh luôn rất đông khách, hàng hóa trên kệ bày cũng đã vãn.
Những người đứng quầy tại đây chia sẻ, mỗi ngày họ bán được số lượng bánh rất lớn, trung bình từ 100 – 200 sản phẩm, hàng phải nhập liên tục, một số mẫu mã vừa được trưng bày đã ngay lập tức hết hàng. Ngoài ra, số lượng khách mua hàng tại đây cũng có xu hướng tăng khi Tết Trung thu đang ngày càng đến gần.
"Số lượng khách tới mua hàng ngày càng đông, tập trung vào các khung giờ sáng sớm và chiều tối. Những sản phẩm có giá thành từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng là bán chạy nhất vì đây là sản phẩm có mẫu mã, thiết kế đẹp và giá thành phải chăng", người đứng quầy thương hiệu bánh Thu Hương tại phố Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết.
Trong khi đó, một quản lí quầy bánh nhãn hiệu Madam Huong chia sẻ: "Các thương hiệu bánh trung thu ngày càng có nhiều sản phẩm mới với hình thức bắt mắt, chất lượng bánh đảm bảo và giá cả hợp lí nên lượng bánh bán ra mỗi ngày đạt mức cao ngay cả khi so sánh với giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát".
Qua khảo sát giá bán tại các quầy bày bán bánh trung thu ở thành phố, ghi nhận giá cả tăng so với năm trước. Người sản xuất cũng cho biết giá cả bánh trung thu năm nay tuy không ảnh hưởng nhiều do yếu tố vận chuyển như năm ngoái nhưng vẫn tăng giá vì nhiều yếu tố mà chủ yếu là giá nguyên liệu tăng.
Đơn cử bánh trung thu Kinh Đô loại được bày bán khá nhiều, năm trước chỉ dao động khoảng 95.000-160.000 đồng/cái (loại 2 trứng muối) thì nay đã lên mức 122.000-167.000 đồng/cái, bánh trung thu mặn 1 trứng muối giá từ 73.000 đồng/cái trở lên.
Ngoài ra, lượng sản phẩm bánh trung thu ở phân khúc cao, giá từ 1.000.000 trở lên được tiêu thụ có phần nhỉnh hơn so với các sản phẩm khác (nhưng chênh lệch là không đánh kể). Đáng chú ý, nhiều mẫu mã với giá thành từ 3-5.000.000 đồng cũng được mua ngay sau khi được bày bán.
Mặc dù các sản phẩm cao cấp đang có phần nhỉnh hơn so với các sản phẩm phổ thông, truyền thống nhưng không phải vì thế mà loại sản phẩm với mẫu mã đơn giản, quen thuộc bị lép vế quá nhiều. Các sản phẩm bánh trung thu với chất lượng bánh đi theo năm tháng như bánh trung thu trứng muối, thập cẩm, đậu xanh vẫn là sự lựa chọn được nhiều khách hàng hướng đến.
Ngoài bánh trung thu của các hãng lớn đã bày bán nhiều và quen thuộc với người dân, những năm gần đây nhiều người cũng tìm đến các loại bánh “nhà làm” (handmade) do các cơ sở, cá nhân tự làm. So với các hàng lớn, bánh handmade có hạn sử dụng ngắn hơn, thường làm số lượng theo đơn đặt hàng. Bên cạnh bày bán trực tiếp, các loại bánh handmade được giới thiệu online thông qua các mạng xã hội, nhanh gọn và tiện lợi hơn cho khách đặt mua ở ngoài địa phương.
Như vậy, sức mua của người dân đối với sản phẩm này tăng gấp nhiều lần so với 2 năm dịch Covid-19 vừa qua và tăng đáng kể khi so sánh với trước thời điểm bùng dịch.
Điều này được lí giải là bởi hình thức và chất lượng bánh trung thu đang ngày càng được cải thiện, giá cả cũng hợp lí đối với đa phần các mẫu mã, chỉ riêng những dòng cao cấp được dự đoán là kén người mua nhưng cũng liên tục cháy hàng.
Cùng với đó, việc đạt được những thành quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng góp phần khiến sức mua của người dân tăng lên đáng kể trong dịp Tết trung thu năm nay.