Thị trường bánh trung thu handmade: Mua bán lòng tin
Đến hẹn lại lên, cứ vào tầm giữa tháng 7 âm lịch, thị trường bánh trung thu đã vô cùng nhộn nhịp. Và sau một loạt những vụ scandal của những thương hiệu bánh có thương hiệu về an toàn thực phẩm, thì thị trường bánh trung thu không thương hiệu,do chủ yếu các bà, các mẹ, nhân viên văn phòng tự làm thủ công được giới thiệu là bánh handmade lên ngôi.
Chỉ với những đảm bảo của người bán rằng bánh không chất bảo quản, nguyên liệu tươi ngon, hợp vệ sinh… thì vấn đề an toàn thực phẩm của bánh handmade hoàn toàn chỉ được thẩm định bởi… lòng tin.
Làm cho nhà ăn, có bạn bè đặt thì bán
Không có gian hàng bày bán, không thương hiệu, không nhãn mác… giao dịch chủ yếu trên trang facebook cá nhân là đặc trưng của thị trường bánh trung thu handmade. Bánh được các bà, các mẹ có chút hoa tay, tỉ mẩn làm ra, cũng có một số các nữ nhân viên văn phòng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm, bán cho người quen, tăng chút thu nhập trong dịp Trung thu.
Mặc dù là handmade, nhưng trong 1, 2 năm trở lại đây, bánh loại này cũng được các bà, các mẹ đầu tư về hình thức, đóng gói. Với giá cả mềm hơn so với các loại bánh thương hiệu đang rầm rộ quảng cáo trên thị trường, dao động một hộp bốn bánh trung thu handmade từ 200 nghìn đến 300 nghìn.
Rao bán bánh trung thu handmade từ giữa tháng 7 âm lịch, anh Long rất nhiệt tình cho tôi biết, bánh trung thu nhà anh do chính mẹ anh làm. Vốn nhà có một cửa hàng nho nhỏ trong ngõ ở phố Cầu Giấy, bình thường bán bánh bông lan.
Mẹ anh là giáo viên, nên việc dành thời gian ra làm những thứ bánh ngọt nho nhỏ bán, tăng thêm thu nhập cũng là niềm vui. Bánh trung thu trước kia nhà Long chỉ làm để ăn, nhưng rồi đồng nghiệp của bố nhờ, đồng nghiệp của mẹ hỏi, đồng thời thấy thị trường có vẻ chuộng bánh trung thu handmade, thế nên mẹ anh làm luôn bánh trung thu để bán. Để mở rộng tập khách hàng, anh Long đăng luôn lên facebook cá nhân của mình, hòng kiếm thêm mối.
200 nghìn/hộp bốn bánh, Long cho biết, thường thì nhà Long ai đặt mới làm. “Nguyên liệu tươi, ngon… không thua gì bánh có thương hiệu đâu chị à. Bánh nhà em là bánh tươi, không chất bảo quản nên chỉ để được trong 10 ngày, nên khi có ai đặt mới làm.”
Còn chị Nguyệt, vốn là một biên tập viên của một tờ báo ngành, thế nhưng chuyện làm bánh trung thu để bán mỗi dịp trung thu đến mấy năm nay trở thành “nghề” tay trái của chị. Chẳng biết bán được nhiều hay ít, nhưng cứ “đến hẹn lại lên”, mẫu mã cũng cập nhật, cũng thay đổi, nhân bánh cũng đa dạng, phong phú theo sở thích, yêu cầu của khách. Khi hỏi về lãi xuất, chị chỉ cười: “Không lãi ai mất công làm làm gì cho nhọc!.”
Vệ sinh an toàn thực phẩm được khẳng định bằng… lòng tin
Có cung ắt có cầu, việc xuất hiện bánh trung thu handmade cũng khiến thị trường bánh trung thu đa dạng, phong phú và khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Thời buổi mà thông tin bùng nổ, các thương hiệu lớn, các thương hiệu cổ truyền ít nhiều đã có những câu chuyện, những cú “phốt” khiến các Thượng đế của mặt hàng này mất đi ít nhiều lòng tin.
Nguyên liệu nhập không rõ nguyền gốc, bánh được sản xuất theo quy trình công nghiệp có hóa chất, hay chất lượng vệ sinh an toàn ở những lò bánh năm nào cũng được báo chí, truyền thông phanh phui khiến các mẹ, các chị nhìn bánh Trung thu khá e dè.
Ở thị trường bánh trung thu handmade, bánh ở phân khúc này có những lợi thế nhất định. Không có sơn hào hải vị như nhân yến hoặc vi cá, sụn cá… nhưng bánh trung thu handmade cũng khá phong phú về chủng loại.
Đặc biệt hơn, bánh loại này lại có thể chiều theo sở thích khách hàng về chuyển giảm hay tăng độ ngọt, thậm chí khách còn có thể yêu cầu cho thêm nhân hoặc bớt nhân bánh đi. Cũng có một yếu tố đặc biệt hơn, do bánh được làm thủ công, nên các tạo hình của bánh cũng khá đặc sắc, màu sắc cũng phong phú do các bà, các mẹ mày mò và sử dụng các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để tạo màu.
Khác với các thương hiệu bánh sẵn có, bánh trung thu handmade do nhỏ lẻ nên các vụ ầm ĩ theo kiểu “bóc phốt” cũng không thấy có. Cũng không hẳn bởi loại bánh được sản xuất thủ công này đảm bảo vệ sinh hơn các thương hiệu lớn, mà do loại bánh này, khách hàng đa phần mua theo bạn bè, hoặc mua theo số đông, hy vọng chất lượng bánh được khẳng định qua lòng tin của những người đi trước.
Cũng chẳng có cơ quan, đơn vị nào kiểm định để mà khẳng định chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của loại bánh này thế nào, chỉ đơn giản, đó là tâm lý của đa số khách hàng tin vào bánh “nhà làm”.
Long, cậu nhân viên văn phòng đi bán bánh giúp mẹ, luôn khẳng định với tôi: “Bánh nhà em làm cho nhà ăn nên chất lượng chị yên tâm. Bánh cũng đa phần được các cô trong các trường tiểu học đặt nên đảm bảo lắm.”
Hoặc như chị Nguyệt thì chị khẳng định 100%, nguyên liệu chị lấy chủ yếu có nguồn gốc rõ ràng, khâu chế biến cũng được để ý rất kỹ. Để tăng thêm uy tín bánh của mình, chị nói: “Bánh chủ yếu bán cho người quen, bạn bè… sao có thể không trung thực được. Không ai vì một chút lãi lờ mà bán rẻ “thương hiệu” của chính bản thân mình thế đâu em.”
Có một lợi thế nhất định, thế nhưng điều khiến nhiều người lo ngại chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi mà vấn đề quan trọng nhất của bánh trung thu chỉ được đảm bảo bởi lòng tin thì bánh handmade ít nhiều giảm đi giá trị của nó. Đảm bảo từ những mối quan hệ chưa đủ, bởi có thể chính những chủ thể đang cặm cụi làm bánh trung thu cũng không thể khẳng định chắc chắn những nguyên liệu mình mua về có thực sự an toàn hay không. Thế nên, dù muốn hay không, thì bánh trung thu handmade cũng chỉ là một lựa chọn tương đối!