Thị trường bảo hiểm: Phải phát triển đồng bộ, có lộ trình và bước đi thận trọng

Theo ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm phải phát triển đồng bộ, toàn diện, có kế hoạch, lộ trình cụ thể; có bước đi thận trọng, chắc chắn và được công bố công khai.

Trụ cột không thể thiếu của thị trường tài chính

Cùng với thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm là một trong ba trụ cột quan trọng của thị trường tài chính. Thị trường bảo hiểm có vai trò ổn định sản xuất, đời sống, huy động nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mỗi giai đoạn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm, theo đó, các cơ chế, chính sách sẽ thống nhất về định hướng để thị trường bảo hiểm phát huy tối đa vai trò đối với nền kinh tế từng thời kỳ.

10 năm qua, thị trường bảo hiểm đã không ngừng hoàn thiện và lớn mạnh cả về quy mô, số lượng doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm dịch vụ.

10 năm qua, thị trường bảo hiểm đã không ngừng hoàn thiện và lớn mạnh.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tính đến ngày 12/12/2022, thị trường bảo hiểm có 78 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm; 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm 2021. Các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 656.423 tỷ đồng, tăng 12,56%. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 526.559 tỷ đồng, tăng 14,6%.

Cũng tính đến thời điểm này, tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 162.814 tỷ đồng, tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của các DNBH ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09%; đồng thời, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 64.018 tỷ đồng, tăng 23,29% so với cùng kỳ năm trước.

Trong dấu mốc phát triển của ngành bảo hiểm, việc Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi ngày 16/6/2022 và luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 với những điểm mới của tạo kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển an toàn, ổn định và bền vững.

Theo đó, luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Luật mới cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận tiện và thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Đồng thời, luật cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.

Khủng hoảng niềm tin và thử thách “hiếm thấy”

Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin lớn nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển. Đây là ý kiến của ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) trước những lùm xùm về hoạt động phân phối bảo hiểm độc quyền qua kênh ngân hàng (bancassurance) thời gian gần đây.

Vụ việc bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) mới đây phản ánh về nhiều điểm bất ổn trong giao kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm và không ít vụ việc nhân viên ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn hoặc không tư vấn rõ ràng về bảo hiểm, khiến khách hàng nhầm tưởng đó là các sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng đã và đang tạo thử thách “hiếm thấy” cho ngành bảo hiểm.

Diễn viên Ngọc Lan đã livestream trên Facebook phản ánh liên quan tới hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giao kết với MVI Life.

Diễn viên Ngọc Lan đã livestream trên Facebook phản ánh liên quan tới hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giao kết với MVI Life.

Các DNBH đang phải gánh chịu ảnh hưởng rất nặng nề, nếu không tự điều chỉnh, nâng cấp hơn nữa về quy trình, nghiệp vụ thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển.

Nhìn thẳng vào những khó khăn và thách thức của thị trường bảo hiểm, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh 7 điểm đặc biệt đáng chú ý.

Đó là tình hình biến đổi về thời tiết, khí hậu ngày càng khó dự đoán, trực tiếp ảnh hưởng đến các loại hình bảo hiểm như: Bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro thiên tai, bảo hiểm nhân thọ.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh còn thấp, hiệu quả sử dụng nguồn lực còn hạn chế, kết cấu hạ tầng yếu kém.

Cùng với đó, nhận thức của người dân và toàn xã hội về bảo hiểm vẫn còn hạn chế, thu nhập của người dân chưa cao, bởi vậy, nhu cầu tham gia bảo hiểm chưa được người dân coi là nhu cầu thiết yếu.

Số lượng sản phẩm bảo hiểm hiện nay tuy nhiều song chưa đa dạng, đa số sản phẩm được thiết kế cố định, trọn gói, khó điều chỉnh, chia nhỏ theo nhu cầu đa dạng của bên mua bảo hiểm, chủ yếu đáp ứng nhu cầu của bộ phận người dân có thu nhập cao.

Kênh phân phối đại lý bảo hiểm còn thiếu chuyên nghiệp, thị trường bảo hiểm vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong chia sẻ thông tin phòng, chống gian lận bảo hiểm, làm giảm năng lực cạnh tranh của toàn thị trường.

Vấn đề đáng lưu ý là năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các DNBH còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện đều đặn, thường xuyên.

Hệ thống luật tuy được hoàn thiện, song một số quy định còn có độ trễ so với sự phát triển của thực tiễn.

Đó là chưa kể tới sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm các nước trên thế giới và khu vực đã tạo khoảng cách với thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là khoảng cách giữa hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm so với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Giải pháp nào cho “cú hích” cả về quy mô và chất lượng?

Theo ông Ngô Việt Trung, mặc dù còn gặp nhiều thách thức nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2022.

Cùng với các yếu tố nền tảng vĩ mô, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam thì định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới tạo kỳ vọng lớn để thị trường bảo hiểm Việt Nam tạo được “cú hích” về quy mô và chất lượng phát triển trong năm các năm tiếp theo.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

Các giải pháp được Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đưa ra là: Thị trường bảo hiểm cần nhằm vào các mục tiêu chủ chủ yếu là hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại nhằm chia sẻ thông tin, phục vụ tốt hơn người dân và người tham gia bảo hiểm.

Đặc biệt, thị trường bảo hiểm phải phát triển đồng bộ, toàn diện, có kế hoạch, lộ trình cụ thể, có bước đi thận trọng, chắc chắn, được công bố công khai.

Thị trường bảo hiểm phải vừa phát triển theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế; vừa thực hiện theo đúng quy định pháp luật và nguyên tắc thị trường, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò quản lý, giám sát, không làm thay doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, để chấn chỉnh lại thị trường bảo hiểm nhân thọ, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm đã có các công văn chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đã làm việc trực tiếp với một số DNBH có phản ánh của khách hàng và yêu cầu doanh nghiệp xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và quy định pháp luật.

Tổ chức họp với toàn bộ DNBH nhân thọ và yêu cầu các DNBH rà soát, tăng cường giám sát thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý bảo hiểm.

Bộ Tài chính sẽ rà soát, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và thực trạng triển khai trong thời gian qua.

Những thành quả đạt được, tiềm năng phát triển, cũng như những tồn tại trên thực tế của ngành bảo hiểm sẽ vừa là thách thức cần nỗ lực để hoàn thiện, vừa là cơ hội lớn để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng về quy mô, cải thiện về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/thi-truong-bao-hiem-phai-phat-trien-dong-bo-co-lo-trinh-va-buoc-di-than-trong/20230502115932663