Thị trường bất động sản cần hỗ trợ để phục hồi
Trong năm 2022 và những ngày đầu năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) của Việt Nam cũng như Đồng Nai vẫn tiếp tục ở trong tình trạng ảm đạm. Theo các chuyên gia kinh tế, những vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn chưa được tháo gỡ thì thị trường BĐS vẫn chưa qua được thời kỳ khó khăn. Hiện các doanh nghiệp (DN) đều mong đợi Chính phủ tiếp tục gỡ khó về pháp lý cho các dự án BĐS, để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Đặc biệt là thủ tục pháp lý cho các dự án nhà ở xã hội cần thông thoáng để khuyến khích nhiều DN tham gia vào phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ giải quyết được bài toán về nhà ở cho đại bộ phận người dân có thu nhập thấp. Như vậy, sẽ giúp nhiều người dân có thể tiếp cận được nhà ở với mức giá hợp lý hơn.
Trong 3 năm (2019-2021), thị trường BĐS tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có đợt tăng trưởng “nóng”, đất đai từ nông thôn đến thành thị đều bị thổi giá lên cao hơn giá trị thực. Dòng vốn đổ vào lĩnh vực BĐS khá lớn và chủ yếu là đầu tư đợi giá tăng cao sẽ bán ra, nhưng sau một thời kỳ tăng phi mã đã chững lại. Nhiều nhà đầu tư muốn bán hàng để thu hồi vốn nhưng người có nhu cầu mua để sử dụng thấy giá quá cao không mua, còn người mua “lướt sóng” thấy đã qua thời điểm sôi động, không mua nữa vì lo sẽ thua lỗ. Nhà đầu tư không bán được sản phẩm sẽ không có vốn luân chuyển để đầu tư tiếp.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, ưu tiên vốn lớn cho lĩnh vực BĐS không phải là giải pháp hay. Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản thì khi nền kinh tế suy giảm, dòng vốn sẽ được ưu tiên cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chế biến và xuất khẩu, vì những ngành này sẽ là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà siết tín dụng với lĩnh vực BĐS, mà nên cân nhắc cho vay với những dự án BĐS ở phân khúc giá rẻ nhiều người đang có nhu cầu thực sự.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, BĐS sau 3 năm tăng nóng, cả DN, nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều. Vì thế, Chính phủ phải có giải pháp điều chỉnh kịp thời để tránh cho thị trường BĐS rơi vào suy thoái ảnh hưởng chung đến nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và ban hành các chính sách mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý cho DN triển khai các dự án BĐS.
Từ thực tế cho thấy, chỉ lĩnh vực BĐS về nhà ở gặp khó khăn, còn BĐS công nghiệp trong năm qua vẫn khá thuận lợi, vì dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào BĐS công nghiệp rất lớn (theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), năm 2022, vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực BĐS đạt 4,45 tỷ USD, tăng thêm 1,8 tỷ USD so với năm 2021).
Theo dự báo, năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn trong nửa đầu năm và sẽ dần phục hồi trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, sẽ không xảy ra tình trạng tăng trưởng nóng như thời gian qua.