Thị trường bất động sản chưa đủ lực để có thể 'vượt dốc' nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ 'mất phanh'

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản chưa đủ lực để có thể 'vượt dốc' nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ 'mất phanh' và đang lấy lại đà.

Thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công điện của Thủ tướng để gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS) ngày 13/11, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, những nỗ lực của Chính phủ cùng các bộ, ngành đã góp phần tích cực nhằm “giữ” thị trường BĐS. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh” và đang lấy lại đà.

Các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được hấp thụ. Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian.

Theo ông Hoàng Hải, bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể của thị trường. Đó là những địa phương có kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,…

 Thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”. (Ảnh: DM)

Thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”. (Ảnh: DM)

“Các địa phương đều tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp BĐS như Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai… Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết, tổng cầu được cải thiện nhờ kết quả của các cơ chế chính sách đang thẩm thấu dần, kinh tế bớt khó khăn, động thái giảm lãi suất,... Tuy nhiên, lực cầu vẫn chỉ bằng 30% so với giai đoạn trước khi thị trường gặp khó khăn.

Trong số đó có khoảng 50% là nhu cầu về nhà ở nhưng gặp khó khăn về tài chính không thể chuyển thành cầu thật. Lực cầu mua phục vụ nhu cầu để ở dù không nhiều nhưng cũng đã giúp thị trường phát sinh giao dịch.

20% là nhu cầu đầu tư BĐS mua đi, bán lại, tăng khoảng 10% so với quý trước do được kích thích nhờ tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục, lãi suất giảm thúc đẩy một phần dòng tiền quay trở lại thị trường.

30% cầu đầu tư để khai thác cho thuê. Đây là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều khách hàng, nhà đầu tư. Đặc biệt là các sản phẩm căn hộ, nhà ở riêng lẻ có thể cho thuê tạo dòng tiền ổn định tại đô thị lớn hay tại các địa phương có tiềm năng cao về phát triển du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai, Phú Quốc…

Riêng với phân khúc nhà ở xã hội, các địa phương tập trung thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ. Đã có nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội được bắt đầu tiến hành nhận và đánh giá hồ sơ. Nguồn cung nhà ở xã hội trong tương lai nhiều địa phương dự báo sẽ “được cải thiện rõ rệt hơn” trong năm 2024.

“Lũy kế giai đoạn 2021- 2025, trên địa bàn cả nước đã có 465 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 412.845 căn đã hoàn thành và đang được triển khai đầu tư xây dựng”, ông Hải tiết lộ.

Hiện tại là thời điểm “nhạy cảm”

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nhấn mạnh, hiện tại là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường BĐS.

“Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì “niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư” chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường BĐS thực sự trở về “trạng thái bình thường mới”, ông Hải nói.

 Hiện tại là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường bất động sản. (Ảnh: DP)

Hiện tại là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường bất động sản. (Ảnh: DP)

Để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, ông Hải cho rằng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trong các nghị quyết, công điện của Chính phủ, đặc biệt Nghị quyết 33, trong đó có 1 số nhiệm vụ làm ngay:

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

Thứ hai, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có thu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Thứ ba, xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Thứ tư, triển khai có hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường tính hiệu quả của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án BĐS trên địa bàn; Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án BĐS, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-bat-dong-san-chua-du-luc-de-co-the-vuot-doc-nhung-co-ban-da-thoat-khoi-nguy-co-mat-phanh-post272236.html