Thị trường bất động sản 'đóng băng' tạo ra tác động dây chuyền

Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam ảm đạm trong thời gian qua, là do thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta bị đóng băng, gây tác động dây chuyền, khiến tình trạng nợ nần gia tăng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, có khoảng 554 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tuyên bố “phá sản”, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Thị trường bất động sản "đóng băng" tạo ra tác động dây chuyền. (Ảnh: VK)

Thị trường bất động sản "đóng băng" tạo ra tác động dây chuyền. (Ảnh: VK)

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam thông tin thêm, trong năm 2022, có hơn 1.200 doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, ngừng hoạt động, gần 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc hoặc chuyển sang việc khác kiếm sống.

Tuy nhiên, số đông môi giới bỏ cuộc thời gian qua là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề. Những công ty môi giới phải đóng cửa vì không nắm bắt, dự đoán được biến cố, xu thế của thị trường, không đủ năng lực về tài chính lẫn kế hoạch kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam ảm đạm trong thời gian qua, là do thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta bị đóng băng, gây tác động dây chuyền, khiến tình trạng nợ nần gia tăng, sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút.

Theo ông Lộc, vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công, và làm sống lại nhiều dự án trọng điểm đã bị đắp chiếu, nằm im trong hàng thập kỷ. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, để thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Việt Nam bứt phá trong thời gian tới, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt là vấn đề trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải được phân định rõ như một kỷ luật thép, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế.

Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.

“70% các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, được phản ánh là đang gặp khó khăn về pháp lý. Đó là sự cảnh báo về tình trạng trì trệ nghiêm trọng”, ông Lộc nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-bat-dong-san-dong-bang-tao-ra-tac-dong-day-chuyen-post249960.html