Thị trường bất động sản hồi, 'ma trận' thông tin lại bủa vây

Khi thị trường địa ốc có dấu hiệu hồi phục trở lại, các chủ đầu tư công bố ra hàng mới… cũng là lúc 'ma trận' thông tin bủa vây khách hàng.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu và lựa chọn đúng tư vấn chuyên nghiệp để bảo đảm quyền lợi trước khi đầu tư bất động sản

Nhà đầu tư cần tìm hiểu và lựa chọn đúng tư vấn chuyên nghiệp để bảo đảm quyền lợi trước khi đầu tư bất động sản

Loạn thông tin dự án

Thời gian gần đây, trên các trang mạng bất động sản bắt đầu xuất hiện khá dày đặc thông tin dự án mới sắp ra mắt thị trường. Thế nhưng, cùng một dự án, nhưng mỗi nơi lại cung cấp một thông tin khác nhau khiến người mua như lạc vào ma trận.

Đơn cử, dự án Picity Sky Park tại Bình Dương đang được nhiều sàn môi giới quảng cáo rầm rộ trên các diễn đàn bất động sản. Có thông tin cho biết, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích hơn 10.600 m2, quy mô gồm 3 block cao từ 21-40 tầng, cung ứng ra thị trường khoảng 1.700 sản phẩm bao gồm căn hộ, officetel và shophouse.

Tuy nhiên, một số môi giới lại thông tin, dự án chỉ có khoảng 1.500 sản phẩm bao gồm 1.319 căn hộ, 226 căn officetel và 23 căn shophouse thương mại nằm ở khối đế, giá bán dự kiến khoảng 40-45 triệu đồng/m2 cùng với các chương trình bán hàng hấp dẫn cho khách hàng đặt mua trong đợt mở bán đầu tiên.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhân viên môi giới tên Tuấn của một sàn giao dịch trực tuyến tư vấn rằng, hiện chủ đầu tư chưa đưa ra giá bán chính thức. Khách hàng có nhu cầu đặt mua thì cọc trước 20 triệu đồng (chuyển vào tài khoản của công ty môi giới) để giữ chỗ, khi nào mở bán mới có mức giá chính xác.

“Công ty bên em là đối tác lâu năm của chủ đầu tư nên anh cứ yên tâm, nếu ngày mở bán mà anh không muốn mua thì công ty sẽ gửi trả lại số tiền đặt cọc này”, Tuấn nói.

Trong khi đó, một nhân viên môi giới thuộc sàn khác lại tư vấn, dự án do Công ty cổ phần Đầu tư khách sạn Kim Sơn làm chủ đầu tư, Tập đoàn Pi Group là đơn vị phát triển dự án (Công ty Kim Sơn hiện là thành viên của Pi Group). Giá bán căn hộ tại dự án là 2-3 tỷ đồng/căn (tương đương khoảng 45-50 triệu đồng/m2), ngân hàng hỗ trợ vay 70% giá trị căn hộ, ân hạn gốc và lãi trong 24 tháng, chiết khấu 20% cho khách hàng thanh toán sớm…

Còn trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Tập đoàn Pi Group cho biết, Công ty chỉ ký hợp đồng với Công ty cổ Phần Pi Tower (một thành viên khác của Pi Group) để nghiên cứu thị trường, hiện chưa có chính sách bán hàng hay chủ trương nhận cọc của khách hàng cho dự án này.

“Hiện có nhiều website đặt tên na ná với tên của dự án và đăng tải các thông tin, chủ yếu do các sàn hoặc môi giới cá nhân tự tạo để thu hút nhà đầu tư, lấy dữ liệu khách hàng… Nói chung, hiện có rất nhiều website giả mạo, gần như dự án nào cũng bị, người mua nhà phải hết sức thận trọng”, một lãnh đạo phòng marketing của Pi Group nói.

Hay như mới đây, chị Hòa (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng là nạn nhân của chiêu “treo đầu dê, bán thịt chó” từ một sàn giao dịch bất động sản ở quận Bình Thạnh. Chị kể, vừa qua, có một nữ giới gọi điện đến, xưng danh là nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng của Novaland mời chị đi dự tiệc tri ân khách hàng. Do đang sở hữu căn hộ của Novaland nên chị tin ngay.

Thế nhưng, khi tập trung tại điểm đã hẹn trước để đến khu Aqua City thì xe lại chở thẳng đến huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Dự án được môi giới giới thiệu là của công ty liên kết với Novaland và sau khi phát hiện ra nhiều thông tin không chính xác, khách hàng bị bỏ lại tại Đồng Nai, phải tự tìm cách đi về TP.HCM.

Tỉnh táo trước những lời chào mời

Trong một số trường hợp, thỏa thuận đặt cọc tiền giữ chỗ mua bất động sản là một cách chiếm dụng vốn trái phép của chủ đầu tư và bên môi giới, tiềm ẩn rủi ro cho người giữ chỗ và là một trong những nguyên nhân gây bất ổn cho thị trường.

Tình trạng mạo danh dự án, thương hiệu của những nhà phát triển bất động sản lớn để câu dụ khách hàng không phải mới mà diễn ra từ nhiều năm nay, khiến nhiều chủ đầu tư phải “đau đầu”.

Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng (chủ đầu tư Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM), gần đây, doanh nghiệp này nhận được nhiều thông tin phản ánh của khách hàng, cư dân và đối tác về việc họ nhận được cuộc gọi, thư mời tham dự sự kiện tri ân khách hàng do Phú Mỹ Hưng tổ chức tại các quận Bình Thạnh, Tân Phú…

Trong thông báo mới đây, Công ty Phú Mỹ Hưng khẳng định, đây hoàn toàn là những thông tin, hoạt động mạo danh thương hiệu bất động sản Phú Mỹ Hưng. Công ty không tổ chức hay liên kết với bất kỳ tổ chức, công ty, sàn giao dịch bất động sản khác thực hiện các hoạt động tri ân, tặng quà, giới thiệu sản phẩm… tại các địa điểm nói trên.

Tương tự, nhiều khách hàng từng mua sản phẩm tại dự án The EverRich Infinity (quận 5, TP.HCM) của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cách đây không lâu nhận được thư mời tham dự sự kiện tri ân. Theo thư mời này, khách hàng sẽ tham gia sự kiện tại quận Bình Thạnh, TP.HCM với hàng loạt giải thưởng hấp dẫn đi kèm như tivi, tủ lạnh, ghế massage...

Công ty Phát Đạt khẳng định, đây là thông tin sai sự thật, đồng thời đưa ra lưu ý thận trọng trước các thông tin tương tự, bởi hiện có một số đối tượng mạo danh Công ty để tổ chức các sự kiện tri ân khách hàng.

Trước đó, nhiều nhà phát triển bất động sản khác như Vạn Phúc, Đất Xanh, Phú Đông Group, Hà Đô, Cát Tường… cũng đưa ra cảnh báo rộng rãi đến các khách hàng, đối tác về việc phát hiện một số đơn vị sử dụng tên doanh nghiệp và logo gần giống với tên của mình nhằm phục vụ cho các mục đích khác, gây nhầm lẫn cho các khách hàng, đối tác.

“Tình trạng đạo nhái dự án, thương hiệu của những doanh nghiệp bất động sản uy tín đã kéo dài từ nhiều năm nay, không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị đạo nhái, mà còn ảnh hưởng đến người mua nhà cũng như thị trường bất động sản. Vì thế, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng để thanh lọc thị trường”, bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land nhấn mạnh.

Ở góc độ pháp luật, luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đặt cọc nhưng không quy định trường hợp đặt cọc khi thực hiện giao dịch thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật khác thì còn phải áp dụng quy định của pháp luật đó, chẳng hạn đặt cọc trong giao dịch bất động sản thì phải áp dụng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Vì vậy, trong một số trường hợp, thỏa thuận đặt cọc tiền giữ chỗ mua bất động sản là một cách chiếm dụng vốn trái phép của chủ đầu tư và bên môi giới, tiềm ẩn rủi ro cho người giữ chỗ và là một trong những nguyên nhân gây bất ổn cho thị trường. Bởi lúc này, khách hàng sẽ không biết và cũng không ai biết khi nào chủ đầu tư mới thông báo mở bán dự án đã đặt chỗ, cũng không có gì đảm bảo chắc chắn người đã đặt chỗ sẽ mua được sản phẩm. Ngoài ra, không có cơ quan nào giám sát, hạn chế và ngăn chặn các cá nhân, tổ chức tư vấn nhận tiền đặt giữ chỗ vượt quá số lượng giới hạn sản phẩm của dự án, không ai giám sát số tiền nhận giữ chỗ của khách hàng được dùng vào việc gì..., như vậy rủi ro là rất lớn.

“Một điểm dễ nhận thấy là các khoản tiền đặt cọc đều được chuyển vào tài khoản của các sàn môi giới hoặc công ty liên kết, chứ không phải của chủ đầu tư, đồng thời số điện thoại được cho là của chủ đầu tư tại mỗi nơi cũng không giống nhau… Do đó, để tránh rủi ro không đáng có, người mua cần tỉnh táo trước các thông tin chào mời tham dự sự kiện tri ân khách hàng, mở bán dự án… từ các tô chức, cá nhân mù mờ về nguồn gốc”, luật sư Tuấn nói.

Việt Dũng

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/thi-truong-bat-dong-san-hoi-ma-tran-thong-tin-lai-bua-vay-327840.html