Thị trường bất động sản khó hồi phục từ quý III
Theo Bộ Tài chính, thị trường bất động sản trong quý II, III sẽ vẫn tiếp tục xu hướng ảm đạm cả về giá, nhu cầu và sức mua của thị trường.
Trong báo cáo gửi cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I ngày 24/3 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết tính đến hết năm 2022, cả nước có 91 dự án được hoàn thành với quy mô 18.206 căn hộ nhà ở thương mại.
Từ giai đoạn giữa quý III đến cuối năm 2022, tình hình giao dịch bất động sản có dấu hiệu khó khăn, lượng giao dịch giảm và kéo dài sang đầu năm nay. Tình hình giao dịch trên thị trường từ đầu năm đến nay khá ảm đạm, lượng giao dịch ít, đặc biệt đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng gần như không có thanh khoản.
Bộ Tài chính chỉ ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng này xuất phát từ nguồn vốn vào thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay, áp lực từ việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, sức mua thị trường giảm sút, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục diễn biến tiêu cực theo tình hình chung của thế giới.
Trong báo cáo, cơ quan này nêu rõ, thị trường bất động sản quý I trong trạng thái trầm lắng, trùng Tết Nguyên đán dẫn đến giá bất động sản bình quân cả quý đối với toàn bộ phân khúc và loại hình bất động sản đều có xu hướng giảm.
Trong đó, giá bán bình quân căn hộ chung cư chưa giảm nhiều nhưng giá bình quân nhà ở riêng lẻ và đất nền tại các địa phương có xu hướng giảm mạnh hơn (giảm 4-8% so với quý trước). Giá bất động sản cho thuê trong quý I tại các địa phương giảm nhẹ so với quý IV/2022.
Theo Bộ Tài chính, giá giảm nhiều đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, đất nền. Giá nhà ở, đất nền tại khu vực Hà Nội và TP HCM cũng có xu hướng giảm nhưng mức độ giảm thấp hơn ở các địa phương khác, mặt bằng giá hiện vẫn ở mức cao.
Bộ Tài chính đưa ra dự báo, thị trường bất động sản trong quý II và quý III tiếp tục xu hướng ảm đạm cả về giá, nhu cầu và sức mua của thị trường.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ.
Ngoài ra, nhà điều hành cũng lưu ý các ngân hàng cần kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu ở thực, cũng như hoạt động kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường.
Các ngân hàng cũng được yêu cầu kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng...
Thị trường bất động sản dần có tín hiệu tích cực?
Chia sẻ Tọa đàm “Uông Bí - Quảng Ninh - Điểm sáng đầu tư 2023” diễn ra ngày 24/3 tại Quảng Ninh, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, thị trường bất động sản ở quý I/2023 đang có tín hiệu tích cực nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời từ Chính phủ như: Thành lập Tổ công tác rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc (theo Quyết định 1435/QĐ-TTg); Công điện 1164/CĐ-TTg của Chính phủ cũng ban hành để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435/QĐ-TTg, trong đó đề cập việc các doanh nghiệp bất động sản cần phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường…
Nhiều chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục đưa ra để tái cơ cấu cho nền kinh tế. Theo đó, Nhà nước đang tích cực triển khai và hỗ trợ thông qua các chính sách điều chỉnh khung pháp lý cho hoạt động M&A tại Việt Nam, tránh chồng chéo trong các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn thị trường.
“Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ cần ban hành cụ thể Nghị quyết về gói ưu đãi này, bao gồm về tiêu chí, nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn này”, ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thực tại nền kinh tế và nguồn lực doanh nghiệp, cấu trúc lại các dòng sản phẩm để dễ hấp thụ thị trường sẽ góp phần vào việc đảm bảo “sức khỏe” cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, sự vào cuộc của Chính phủ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, về chính sách tín dụng… cùng sự đồng lòng của các đơn vị tổ chức, các nhà môi giới cá nhân, các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm lên từ quý III/2023.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thi-truong-bat-dong-san-kho-hoi-phuc-tu-quy-iii.html