Thị trường bất động sản không thiếu nhà, chỉ thiếu nhà... giá rẻ
Đó là ý kiến của ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - tại 'Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản' ngày 22/9.
Ông Hải cho biết, lĩnh vực bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn do khoảng cách giữa các chính sách, định hướng phát triển và thực tế thị trường. Điều này không thể giải quyết ngay trong "một sớm một chiều".
Theo ông Hải, hiện thị trường bất động sản không thiếu nhà ở nhưng lại thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Thị trường lệch pha cung - cầu nên sức mua giảm mạnh cũng làm gia tăng thêm khó khăn. Cụ thể, nguồn cung giảm khiến giá bất động sản, nhà ở, đất nền bắt đầu gia tăng kể từ đầu năm 2021. Đến cuối năm, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.
"Căn hộ chung cư liên tục lập những mốc giá mới do số lượng căn hộ chung cư đưa ra thị trường giảm sút. Căn hộ của các chung cư bình dân hiện có mức giá 25-30 triệu đồng/m2, chung cư trung cấp có mức giá 30-50 triệu đồng/m2, chung cư cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 bắt đầu vượt quá khả năng của người dân", ông Hải nói.
Qua làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, ông Hải đánh giá, hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai do nhiều nguyên nhân nhưng điển hình liên quan đến pháp luật về đất đai.
Theo ông Hoàng Hải, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều hành động rất quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Điển hình là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 (ngày 11/03/2023) về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…
Tuy nhiên, thời gian tới, các bộ, ban ngành và địa phương vẫn cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định để tăng nguồn cung về nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cơ quan tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua...
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Đằng sau đó là sự thiếu quyết tâm của nhiều địa phương khiến dự án chưa được gỡ khó để triển khai.
Ông Đính cho biết, những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thời gian qua đã có tác động tích cực. Trong quý I, đã có gần 3.000 sản phẩm giao dịch và sang quý II con số này đã tăng thêm 30%.
“Niềm của nhà đầu tư đã dần được phục hồi. Tuy vậy, việc cải thiện nguồn cung nhà ở mới và sự ổn định của tâm lý của người mua vẫn đang diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian hơn”, ông Đính nói.
TS Nguyễn Văn Đính kỳ vọng, trong giai đoạn cuối năm 2023 đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực hơn.
Còn TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia - nhận định, thị trường bất động sản có thể khó khăn kéo dài đến quý II, quý III sang năm. Theo TS Nghĩa, các giải pháp gỡ khó cho bất động sản hiện vẫn chưa đánh trúng “tâm bão”, đó là đẩy được cung nhà ở giá rẻ.
“Để đẩy được nguồn cung giá rẻ phải xây dựng được cơ chế để các doanh nghiệp tích cực tham gia. Chúng ta chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.