Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Đâu sẽ là 'cửa sáng'?

Theo báo cáo từ DKRA Group, từ quý IV/2022 tới nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng rơi xuống đáy với những ghi nhận không mấy tích cực - chỉ có 1 giao dịch trong 2 tháng đầu năm. Với việc Chính phủ ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP, các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp vực dậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Kỳ vọng tăng trưởng

Anh Lê Mạnh Dũng - Giám đốc một công ty lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh đã chấm dứt 2 năm nhàn rỗi của mình bằng sự bận rộn liên tục với các chuyến bay, gặp gỡ đối tác để ký hợp đồng kể từ đầu năm nay. “Tôi ôm một quỹ phòng khách sạn rất lớn ở Nha Trang và Phú Quốc, giờ là lúc bán được. Sự nhộn nhịp trở lại của ngành du lịch đã khiến nhiều chủ khách sạn trở nên lạc quan hơn” - anh Dũng khẳng định.

Theo số liệu quý I vừa được Tổng cục Thống kê công bố, du lịch là ngành có mức tăng trưởng cao so với các ngành khác. Cụ thể, quý I/2023 du lịch lữ hành tăng 119,8% với 27,5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 14,1 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế có khoảng 2,7 triệu lượt.

Điều dễ thấy nhất, thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng có liên quan chặt chẽ đến thị trường du lịch. Trong nhiều năm qua, phát triển BĐS nghỉ dưỡng được xem là một cách để phát triển hạ tầng du lịch, phục vụ cho Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Hầu hết các địa phương có đường bờ biển và những địa phương có phong cảnh đẹp đều xác định phát triển du lịch là trụ cột của kinh tế. Đó là lý do các địa phương dành sự ưu tiên và quan tâm, quỹ đất cho việc xây dựng hạ tầng du lịch, chuẩn bị đón dòng khách lớn. Nhiều địa phương đã và đang thành công với chiến lược này như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định…

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch trong quý I, với dòng tiền 132,7 ngàn tỷ đồng từ du lịch, lữ hành chắc chắn sẽ làm thị trường BĐS nghỉ dưỡng hồi sức sau 2 năm thua lỗ do đại dịch Covid-19. Nguồn thu trở lại từ cho thuê sẽ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

Thêm các cú hích

Có thể thấy rằng, thị trường BĐS nghỉ dưỡng không chỉ mang “sứ mệnh” là các sản phẩm BĐS thông thường, mà còn là các sản phẩm BĐS cần thiết phục vụ cho phát triển hạ tầng du lịch. Ngành du lịch muốn phát triển, đóng góp tới 10% GDP như mục tiêu đến 2030 thì cần phải có các khu lưu trú khách sạn đạt chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao và những khu vui chơi giải trí, mua sắm văn minh, thay vì những khách sạn cũ nát và dịch vụ kém.

Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nóng của BĐS nghỉ dưỡng với nhiều dự án căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse…, sự bất cập trong các quy định pháp luật cùng với sự suy giảm của thị trường du lịch đã làm nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường này.

Mới đây, Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2023, các loại hình BĐS nghỉ dưỡng có thể được cấp sổ chứng nhận sở hữu nếu đủ điều kiện. Điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, vực dậy một phần niềm tin của các nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), đến cuối năm 2022, chỉ riêng condotel, cả nước có khoảng 83.000 căn chờ sổ hồng, phần lớn thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất thương mại, dịch vụ có thời hạn 50 - 70 năm.

Đồng thời, các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước quyết liệt đưa lãi suất tiền gửi xuống dưới 9% cũng thắp lên hy vọng cho các nhà đầu tư, giảm gánh nặng chịu lãi cho các nhà đầu tư thứ cấp đang vay vốn.

Thời điểm này, nhiều chủ đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng tại các thị trường trọng điểm như: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Hải Phòng, Quảng Ninh… đang rục rịch chuẩn bị các kế hoạch ra hàng.

Theo ghi nhận chung, giá của BĐS nghỉ dưỡng dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm khoảng 10 - 20%, cơ cấu sản phẩm sẽ thay đổi để phù hợp thị trường. Nhiều nhà đầu tư cho biết, trong thiết kế chính sách bán hàng sẽ hạn chế việc vay vốn và dùng các đòn bẩy tài chính để kết nối với các nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng có nhu cầu đầu tư thực.

“Nhu cầu đầu tư BĐS nghỉ dưỡng vẫn còn vì nó tạo ra nguồn thu thụ động cho khách hàng, từ việc cho thuê và kỳ vọng tăng giá BĐS nghỉ dưỡng, cùng với sự phát triển của hạ tầng du lịch. Có những nhà đầu tư thích chứng khoán, có người thích vàng và có những người chỉ có khẩu vị đầu tư bất động sản. Thị trường đang chạm đáy và nhu cầu đầu tư thực vẫn còn, đó là cơ hội” - lãnh đạo một tập đoàn bất động sản khẳng định.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-bat-dong-san-nghi-duong-dau-se-la-cua-sang-125794-125794.html