Thị trường BĐS tại các tỉnh kế cận TP HCM sôi động nhờ dòng vốn ngoại

Nhờ sự kích thích của những thương vụ M&A với sự tham gia của hàng loạt 'ông lớn' có tên tuổi trong ngành BĐS thế giới, thị trường tại các đô thị vệ tinh của TP HCM đang ngày một sôi động hơn, với nguồn cung dự báo tăng mạnh.

Dòng tiền đổ về các địa bàn kế cận TP HCM

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/8/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký.

Riêng hoạt động kinh doanh BĐS đạt 2,4 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh thì vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 14,4% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 812 triệu USD, chiếm 29%.

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cũng nhận định, phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Nếu 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung vào nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capital Land... hiện nay, thị trường có thêm nhiều đại gia nước ngoài khác mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...

 Với lợi thế về quỹ đất, thị trường tỉnh lân cận TP HCM lại nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài

Với lợi thế về quỹ đất, thị trường tỉnh lân cận TP HCM lại nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài

Ngoài ra, từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển. Đó cũng là lý do dòng vốn lớn này đang đổ mạnh vào các tỉnh lân cận TP HCM, giúp các thị trường như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu trở nên sôi động hơn với sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về giá bán và mức độ quan tâm trong giai đoạn vừa qua.

Báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong quý III/2024, địa bàn Châu Thành và Đức Huệ của tỉnh Long An đang là những khu vực tăng trưởng nổi bật với mức độ quan tâm tăng lần lượt là 19% và 13%. Theo sau đó là khu vực Dĩ An của Bình Dương với mức độ quan tâm tăng 9%.

Còn về mức tăng trưởng giá bán, địa bàn Trảng Bom và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai ghi nhận mức giá tăng lần lượt là 15% và 16%. Nối tiếp trong top tăng trưởng về giá trong khu vực là hai khu vực Long Điền và Phú Mỹ của Bà Rịa – Vũng Tàu với mức tăng trưởng giá 15% và 14%.

 Nhiều tỉnh kế cận TP HCM, đặc biệt là Bình Dương ghi nhận mức độ quan tâm và giá bán tăng trưởng mạnh

Nhiều tỉnh kế cận TP HCM, đặc biệt là Bình Dương ghi nhận mức độ quan tâm và giá bán tăng trưởng mạnh

Nhiều thương vụ M&A kích thích thị trường tỉnh

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, trong quý II/2024 vừa qua, tại thị trường bất động sản phía Nam có 3 thương vụ M&A nổi bật là: Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World, một khu dân cư rộng 50ha tại Bình Dương.

Tiếp theo là thương vụ Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức) thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod (Đài Loan) mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức; Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) cũng mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD.

Mới đây nhất, Liên doanh Nhật Bản gồm Cosmos Initia (thành viên Daiwa House Group) – tập đoàn bất động sản lớn của Nhật đã cùng Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital và Koterasu Group đã khởi công dự án căn hộ TT AVIO tại Dĩ An Bình Dương).

Nhìn nhận về việc dòng vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, dòng vốn này góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn và tài chính Việt Nam, giúp doanh nghiệp trong nước giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Một tác động tích cực khác của dòng vốn ngoại là giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội cọ xát, học hỏi, tận dụng được thế mạnh của chủ đầu tư nước ngoài trong phát triển dự án, thương hiệu, trình độ kỹ thuật xây dựng. Ngoài ra, các dự án BĐS có sự góp mặt của dòng vốn ngoại tại Việt Nam đã thiết lập những chuẩn mực đô thị mới theo hướng văn minh, hiện đại, đề cao không gian sống xanh và chuỗi tiện ích đồng bộ, mang đến những trải nghiệm sống tốt hơn cho người Việt Nam.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-bds-tai-cac-tinh-ke-can-tp-hcm-soi-dong-nho-dong-von-ngoai-post313812.html