Thị trường bia Việt hết hấp dẫn, thời vàng son chấm dứt?
Hầu hết tên tuổi bia hàng đầu quốc tế đang hiện diện tại thị trường bia Việt Nam khiến cuộc chiến giữa các hãng bia càng trở nên khốc liệt, buộc các hãng phải tìm hướng đi mới để tồn tại.
Đối diện với nhiều cơn gió ngược, nhiều công ty bia đang suy giảm lợi nhuận.
Mất lợi nhuận
Mới đây, Thaibev, đơn vị nắm vai trò chi phối Sabeco cho biết, do kinh tế Thái Lan và Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn nên mức tiêu thụ bia tại 2 thị trường này giảm 15% trong quý I-2024; dù đã tăng giá bia, nhưng doanh số bia vẫn giảm 14%.
Tại thị trường Việt Nam, Thaibev đang làm mọi cách để duy trì thị phần của Sabeco, một thương hiệu bia nằm trong tốp đầu của thị trường bia Việt.
Tuy nhiên, doanh số và lợi nhuận của Sabeco vẫn chưa đạt kỳ vọng. Thậm chí Sabeco phải đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 giảm.
Theo ban điều hành Sabeco, nguyên liệu tăng cao và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Dưới sức ép này, giá cổ phiếu Sabeco cũng lao dốc mạnh, và chưa bao giờ quay trở lại mốc đã từng đạt đỉnh cao nhất trước đây là 320.000 đồng/cổ phiếu như trước đây.
Tuy nhiên, một phần vấn đề tác động đến hiệu quả kinh doanh của Sabeco mà được ban lãnh đạo công ty này chỉ ra là sự tác động của Nghị định 100/2019, không chỉ ảnh hưởng đến Sabeco mà cho toàn bộ ngành bia.
“Từ quan điểm công ty, chúng tôi ủng hộ Nghị định 100 cũng như ủng hộ uống bia có trách nhiệm” – ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch Sabeco cho biết.
Tuy nhiên, Công ty chứng khoán VPBank cho biết, Sabeco đang làm việc với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát Việt Nam (VBA) để kiến nghị Chính phủ thiết lập giới hạn nồng độ cồn trong máu hợp lý, thay vì quy định hiện hành là không cho phép nồng độ cồn khi lái xe.
Sabeco cũng nêu trường hợp nhiều nước trên thế giới có quy định về nồng độ cồn cho phép, có nghĩa uống một lượng bia nhất định vẫn được phép lái xe.
Một ông lớn trên thị trường bia Việt là hãng bia Heineken cũng cảm thấy các áp lực lên hiệu quả kinh doanh. Dù đã soán ngôi Sabeco vươn lên vị trí thứ nhất, nhưng lợi nhuận đã không tăng tương ứng.
Điều này có thể thấy qua báo cáo tài chính năm 2023 của Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra). Trong phần ghi lợi nhuận có được từ công ty liên kết, trong đó đến từ chia cổ tức từ Heineken, đã suy giảm khá nhiều so với năm 2022.
Điều này cho thấy lợi nhuận sau thuế của Heineken suy giảm đã khiến cho việc chia cổ tức cho Satra cũng giảm theo.
Habeco, một ông lớn khác trên thị trường bia bất ngờ báo lỗ trong quý I-2024 với mức lỗ ròng là 5,2 tỉ đồng. Đây là quý đầu tiên báo lỗ của công ty này kể từ năm 2016.
Việc lỗ của Habeco đến từ chi phí bán hàng gia tăng rất mạnh lên đến 230 tỉ đồng. Điều này cho thấy công ty đã chi số tiền rất lớn cho các hoạt động tiếp thị nhằm kích cầu trong bối cảnh thị trường bia bị ảnh hưởng bởi chính sách uống bia có trách nhiệm.
Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát Việt Nam (VBA), thị trường bia Việt đang ngày càng cạnh tranh gay gắt với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bia trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các tác động của lạm phát, thu nhập người dùng suy giảm cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ bia. Việc này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bia.
Hướng đi mới
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành bia dự báo tiếp tục kéo dài sự suy giảm hiệu quả kinh doanh do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế. Đơn cử như thu nhập người tiêu dùng giảm, nhiều cơ sở karaoke phải dừng hoạt động vì không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, siết chặt kiểm tra nồng độ cồn,…
Ngoài ra, do các hãng bia đều bị ảnh hưởng kinh doanh và trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt nên sẽ tăng tốc thực hiện các chương trình tiếp thị, khiến chi phí gia tăng, có thể làm suy giảm lợi nhuận.
Ông Ngô Quế Lâm, Tổng giám đốc Habeco dự báo con đường đi phía trước không dễ dàng hơn trong thời gian tới, vì cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt từ các tập đoàn lớn có nguồn lực tài chính, kinh nghiệm bán hàng… Để cạnh tranh, và tạo điểm nhấn cho thương hiệu, công ty phải đưa ra nhiều giải pháp bán hàng mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong năm 2024.
Dù vậy, Hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) cho rằng, thị trường bia Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, nhờ vào sự gia tăng thu nhập của người dân, sự trẻ hóa dân số và sự phát triển du lịch. Thị trường bia Việt đã gia tăng tốc độ tăng trưởng suốt 7 năm qua, hiện đã đạt mức doanh thu 7,9 tỉ USD và dự báo đạt đỉnh doanh thu vào năm 2028 với mức tăng vượt trên hai con số.
Câu chuyện tiếp theo, các hãng bia phải tìm hướng đi mới trong bối cảnh người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng các loại bia cao cấp với chất lượng tốt hơn và hương vị độc đáo hơn, cũng như xu hướng sử dụng bia thay đổi vì sự kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn.
Theo ông Koh Poh Tiong, công ty sẽ áp dụng nhiều giải pháp như cải thiện định mức sản xuất, giảm lãng phí, gia tăng hiệu quả sử dụng chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là tăng giá bán theo điều kiện thị trường.
“Xuất khẩu bia chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, do đó, Sabeco vẫn tập trung vào thị trường nội địa. Một trong số đó là xây dựng chiến lược phát triển kênh phân phối khuyến khích khách mua bia về nhà uống.
Theo đó, công ty sẽ triển khai đưa sản phẩm xuống các cửa hàng tạp hóa, những cửa hàng tuy nhỏ nhưng đóng góp sản lượng rất lớn” - ông Koh Poh Tiong nói.
Theo vị giám đốc Habeco, để có thể cạnh tranh trong một thị trường bia Việt gần như có đầy đủ các tên tuổi lớn trên thế giới, công ty sẽ phải liên tục cải tiến sản phẩm, bao bì cũng như gia tăng chất lượng và tìm giải pháp hạ giá thành. Xây dựng chiến lược phân phối trên tất cả các kênh từ trực tiếp cho đến thương mại điện tử, tiết giảm mọi chi phí chưa cần thiết để tập trung vào phát triển thị trường.
Một gợi ý của Tổng giám đốc Sapporo - ông Masaki Oga có thể giúp nhiều công ty bia tìm hướng đi trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Theo đó, để tăng cường sự hiện diện trong ngành bia, tạo dấu ấn khác biệt, các công ty bia triển khai bia RTD, thường có nồng độ cồn thấp hơn so với bia truyền thống, và có nhiều hương vị khác nhau như trái cây, thảo mộc. Sapporo đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc sản phẩm này.
Câu chuyện này cũng đã nhìn thấy tại thị trường Việt Nam. Hãng bia Carlsberg gần như không bị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nhờ nhanh chóng triển khai dòng bia RTD, mà điển hình nhất là thương hiệu 1664 Blanc, Tuborg.
Hai thương hiệu này tạo dấu ấn khác biệt về vị bia độc lạ trên thị trường giúp thu hút phân khúc khách hàng Gen Z. Qua đó tạo trụ cột cho tăng trưởng doanh thu.
Heineken cũng xoay chuyển tình thế với cú chuyển mình sang dòng bia thủ công với thương hiệu bia Việt tập trung vào giá trung bình, vị ngon và hướng đến giới trẻ.
PHƯƠNG MINH
Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-bia-viet-het-hap-dan-thoi-vang-son-cham-dut-post795118.html