Thị trường bia Việt Nam có dễ 'nuốt'?

Việc người Thái có ảnh hưởng lớn tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) như chuyện đã rồi ở một thị trường bia 'béo bở' như Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh khốc liệt trong ngành bia vẫn đang ở phía trước, đừng nghĩ đây là thị trường dễ 'nuốt' khi từng có nhiều nhà đầu tư lớn như BGI, Foster, San Miguel…đã phải ra đi.

Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 5 vừa qua, có thêm 3 nhân sự mới người Thái thuộc Tập đoàn ThaiBev (Thái Lan) được cử vào các vị trí phó tổng giám đốc trong ban điều hành Sabeco.

Trước đó, hồi tháng 4, sau đại hội cổ đông bất thường, có 3 người của Thaibev được cử vào Hội đồng quản trị (HĐQT) Sabeco và ông Koh Poh Tiong (thành viên của ThaiBev) được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Người Thái không dễ "làm mưa làm gió"

Như vậy, sau khi Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi bỏ ra gần 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco và nắm giữ 53,59% vốn điều lệ ở hãng bia lớn nhất Việt Nam (chiếm 40% thị phần bia trong nước), sức ảnh hưởng lớn của người Thái đang thể hiện rõ khi nắm nửa số ghế trong HĐQT và 3/7 ghế trong ban điều hành.

Ngoài Sabeco, có một vấn đề đáng chú ý là các hãng bia có thị phần lớn ở Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm thâu tóm cổ phần của nhà đầu tư Thái. Việc này làm dấy lên lo ngại là thị trường bia Việt trong tương lai sẽ chịu sự chi phối rộng lớn của người Thái.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội thảo quốc tế về ngành đồ uống Việt Nam diễn ra ở Tp.HCM vào cuối tuần qua, PGs.Ts. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng việc người Thái rót vốn mua cổ phần, đầu tư vào các hãng bia lớn tại Việt là xu thế thị trường hội nhập khó tránh khỏi.

"Phía bán thì đấu giá, người Thái thì mua trong khi doanh nghiệp (DN) Việt không đủ sức để mua. Đây là thực tế xảy ra rồi, họ đã mua rồi, chúng ta có lo cũng không được nữa! Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng đã bán đi rồi thì họ có thể "làm mưa làm gió" ở thị trường bia Việt", ông Việt bộc bạch.

Về tính chất cạnh tranh trong thời gian tới, Chủ tịch VBA nhận định thị trường bia ở Việt Nam còn khá hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới khi có tỷ lệ dân số trẻ chiếm tỷ trọng lớn và là nhóm khách hàng chính đóng góp vào tăng trưởng tiêu thụ bia trong thời gian tới.

Trên thị trường bia Việt, theo giới phân tích, Sabeco đang có thế mạnh ở phân khúc bia tầm trung, bình dân. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ở phân khúc này trong vài năm trở lại đây còn khiêm tốn (khoảng 3,7%).

Trong khi đó, ở phân khúc bia cao cấp (là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 7,2%) lại đang chịu sự chi phối của các tên tuổi ngoại như Heineken, Tiger và Sapporo.

San Miguel là một nhà đầu tư lớn nhưng cũng đã phải rút lui khỏi thị trường bia Việt Nam

San Miguel là một nhà đầu tư lớn nhưng cũng đã phải rút lui khỏi thị trường bia Việt Nam

Cạnh tranh ngày càng quyết liệt

Từ năm 2012 đến nay, Heineken chứng kiến tốc độ tăng trưởng sản lượng liên tục, với tốc độ tăng trưởng trung bình 12% so với mức tăng trung bình của ngành là 8%.

Đóng góp chính trong sự tăng trưởng sản lượng đến từ nhãn hàng Tiger (trung cao cấp) với mức tăng thị phần kỷ lục lên 11,5% năm 2016 từ mức 4,8% năm 2012. Thị phần của Tiger gia tăng từ việc chiếm thị trường của các dòng bia trung cấp như Bia 333 và Bia Hà Nội.

Thực ra, người tiêu dùng Việt ngày càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các phân khúc bia cao cấp, tuy nhiên chi tiêu bia trên thu nhập ở Việt Nam hiện vẫn nằm ở mức tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực.

Từ năm 2012 – 2016, phân khúc sản phẩm bia cao cấp ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, với mức tăng trung bình 15% so với mức tăng trung bình 4,8% của phân khúc trung cấp và giá rẻ.

Theo nhận định, Việt Nam sẽ là một thị trường cuốn hút các công ty bia trên thế giới, đặc biệt là sau việc bán cổ phần của Sabeco, sẽ giúp các công ty bia lớn gia tăng thị phần và sự hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng dù đây là thị trường tưởng dễ ăn nhưng thực chất rất khốc liệt. Chưa kể, gần đây có nhiều dự thảo nghị định, luật ra đời nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ bia.

Và một thực tế là thời gian qua có nhiều DN trong nước lẫn nước ngoài đã phải "tháo chạy" khỏi thị trường vì đối mặt những vấn đề khó khăn trong cạnh tranh.

Một số tên tuổi lớn từ nước ngoài như BGI, San Miguel, Foster… là những điển hình đã phải rút lui khỏi thị trường Việt. Ngay như việc đầu tư gần đây của một tập đoàn trong nước là Masan vào ngành bia cũng được cho là trầm lắng.

"Nhiều hãng bia ngoại vào Việt Nam đầu tư cũng khá tốn kém nhưng phải rút lui vì nhiều lý do như công ty mẹ của họ tái cơ cấu, cho rằng vào thị trường Việt có lợi nhuận không tốt hoặc không đủ sức cạnh tranh", ông Việt phân tích.

Nhìn chung, điều cần thiết đối với các hãng bia nội địa hiện nay là phải thực hiện tái cơ cấu toàn diện, nếu muốn giữ vững được thị phần và nâng cao vị thế trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhất là cần đa dạng hóa đối tượng khách hàng thông qua đa dạng danh mục sản phẩm, đặc biệt là dòng sản phẩm cao cấp theo xu hướng phát triển của thị trường.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/thi-truong-bia-viet-nam-co-de-nuot-1047553.html