Thị trường 'biến động', 5 công ty top đầu thị phần sau nửa năm làm ăn thế nào?
Trái ngược với 3 tháng đầu năm thăng hoa, TTCK đi vào đợt điều chỉnh mạnh trong 3 tháng tiếp theo; vậy các công ty chứng khoán ở top đầu thị phần sàn HOSE hoạt động như thế nào?
Hiện tại, cả 5 công ty chứng khoán thuộc top đầu thị phần sàn HOSE (sau 6 tháng đầu năm 2018) đã công bố BCTC bán niên năm 2018.
‘Ông lớn” Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (mã SSI) vẫn đạt mức doanh thu cao tuyệt đối 895,3 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của SSI có sự đóng góp lớn từ doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán gần 340 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý II/2017.
Ngoài ra, SSI cũng ghi nhận lãi từ khoản cho vay và phải thu hơn 201 tỷ đồng, tăng trưởng đến hơn 61%.
Top đầu thị phần cũng ghi nhận doanh thu đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC - mã HCM) đạt doanh thu 691 tỷ đồng và có mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm này, 123% so với quý II/2017. Mức doanh thu này đạt được nhờ khoản lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt gần 320 tỷ đồng, tăng 340% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu môi giới chứng khoán và lưu ký chứng khoán cũng tăng mạnh lần lượt 97% và 30%.
Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC - mã VCI) doanh thu đã tăng trưởng 45% đạt gần 467 tỷ đồng, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nghiệp vụ môi giới, dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý II/2018 tăng 24% so với quý II/2017.
Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (mã VND) và Công ty CP Chứng khoán MB (mã MBS) doanh thu đạt lần lượt 406,5 tỷ và 292,7 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 23% và 61,09%.
Tuy vậy, các chi phí quá cao trong quý II/2018 là nguyên nhân khiến lợi nhuận các công ty chứng khoán đều bị suy giảm.
Bài liên quan
Hàng loạt cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên UpCom
Thị trường chứng khoán cuối năm 2018 sẽ ra sao?
SSI và VND là hai công ty chứng khoán duy nhất ghi nhận LNST giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Với SSI, việc chi phí môi giới tăng mạnh 75% lên 240 tỷ đồng và Lỗ FVTPL tăng rất mạnh 221% đạt 212,8 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến Công ty chứng khoán top đầu thị phần HOSE ghi nhận LNST giảm nhẹ 1% còn 301,6 tỷ đồng. Song, một phần đà giảm này không quá mạnh do SSI ghi nhận thêm doanh thu tài chính tăng 383% đạt 135 tỷ đồng nhờ việc lãi bán và thanh lý các công ty con và công ty liên kết.
Lỗ FVTPL cũng là nguyên nhân khiến LNST VND chỉ đạt 117,6 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, khoản lỗ TSTC ghi nhận thông qua lãi/lỗ tăng mạnh, tăng 134% lên gần 65,3 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí môi giới chứng khoán hơn 60,5 tỷ đồng cũng ghi nhận tăng hơn 20 tỷ so với quý II/2017.
Tượng tự với HSC, cũng do khoản lỗ tài sản tài chính FVTPL lên đến 295,5 tỷ đồng (chiếm chủ yếu chi phí hoạt động 464 tỷ đồng) là nguyên nhân khiến dù doanh thu hoạt động tăng 123% nhưng LNST HSC chỉ tăng 8% đạt 147,2 tỷ đồng.
VCSC và MBS là hai Công ty Chứng khoán duy nhất trong top đầu thị phần ghi nhận LNST tăng trưởng tích cực.
Với VCSC, việc doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán quý II/2018 đạt hơn 335,3 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với quý II/2017 đã ‘bù trừ’ cho các khoản lỗ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL).
MBS là trường hợp gây ấn tượng nhất trong top 5 thị phần tại HOSE khi LNST đạt hơn 55 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lợi nhuận này chủ yếu nhờ doanh thu hoạt động tăng mạnh 61%. Cụ thể: Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt hơn 84,6 tỷ đồng, tăng 37%; Doanh thu môi giới Chứng khoán – doanh thu chủ đạo, tăng 6% đạt 99,2 tỷ đồng, ngoài ra cũng phải kể đến dù doanh thu tăng mạnh nhưng chi phí hoạt động chỉ tăng có 30% đạt 138,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu Chứng khoán vẫn chưa có sự bứt phá
Còn nhớ cách đây 1 tháng, một chuyên viên tư vấn cấp cao Công ty Chứng khoán đã ‘rỉ tai’ người viết về việc BCTC quý II/2018 của MBS sẽ lãi ‘khủng’. Thực tế cũng có thể thấy, nguồn tin này đã râm ran ở nhiều nhóm chứng khoán kín (thậm chí, những người này đang lan truyền thông tin về KQKD quý III/2018 của MBS), và lẽ dĩ nhiên, từ khoảng thời gian đó, nhiều người đã tin rằng giá cổ phiếu MBS sẽ không chỉ dừng ở mức giá 14.000 – 15.000 đồng/cổ phiếu.
Song, khi thông tin về kết quả tài chính doanh nghiệp này xuất hiện, giá MBS tính đến phiên 27/7 cũng chỉ mới cán mốc 16.400 đồng/cổ phiếu.
Điều này cũng diễn ra tương tự với tất cả các mã cổ phiếu khác trong top đầu thị phần.
Nếu tính trong 1 tháng giao dịch gần đây (phiên 27/6), duy nhất MBS tăng trưởng 5,13%; trong khi đó VND giảm 2,22% (17.600 đồng/cổ phiếu), SSI giảm 6,06% (27.900 đồng/cổ phiếu), VCI giảm 12,26% (54.200 đồng/cổ phiếu) và HCM giảm 12,90% (54.000 đồng/cổ phiếu).
Có thể thấy, sự tăng trưởng – suy giảm của các mã cổ phiếu này cũng phụ thuộc khá nhiều vào VN-Index, thời điểm thị trường đạt đỉnh cao nhất 1.204,33 điểm trong phiên 9/4/2018 cũng là lúc các mã này đang ở vùng giá cao nhất, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại. Và khi VN-Index suy giảm, các mã này cũng bị ảnh hưởng theo.
Chính vì sự liên quan mật thiết giữa thị trường và dòng cổ phiếu Chứng khoán, nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng ở nhóm cổ phiếu này. Điều này đến từ nền tảng vĩ mô thị trường tốt, sự điều hành chính sách đứng đắn và tăng trưởng tích cực của Chính phủ sẽ tạo điều kiện tích lũy tốt cho thị trường.
Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh nhận định, VN-Index vẫn có nhiều triển vọng tốt cho tới cuối năm, với mức GDP tăng trưởng tốt nhất trong khu vực, top 3 khu vực châu Á. Ngoài ra, Việt Nam vẫn tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nền kinh tế qua đó được hưởng lợi.
Về các yếu tố từ bên ngoài, ông Minh đánh giá sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo IMF trong năm nay dự kiến là 3,7%, là mức ổn định. Nếu căng thẳng thương mại giữa các nước lớn được giải quyết bằng đàm phán, sẽ không có quá nhiều yếu tố đáng ngại.
Đây sẽ là yếu tố thuận lợi cho các Công ty Chứng khoán với lợi thế thị phần lớn có thể gia tăng kết quả kinh doanh trong phần còn lại của năm 2018.
Video: 3 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2017