Thị trường bình ổn trong 'cơn bão' giá xăng, dầu

ĐTO - Biến động giá xăng, dầu tăng cao tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh vận tải, hàng hóa tiêu dùng. Trước tình hình này, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã chủ động thích ứng bằng cách tính toán lại phương án sản xuất, kinh doanh, nhằm đảm bảo doanh thu và ổn định hoạt động.

Doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp ứng phó trước tình hình giá xăng dầu tăng cao

Doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp ứng phó trước tình hình giá xăng dầu tăng cao

Vận tải hành khách điều chỉnh giá cước

Kể từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã tăng 6 lần và đạt mức giá bán lẻ kỷ lục trong khoảng 8 năm qua. Đến nay, giá xăng E5 RON92 có giá bán tối đa là 28.330 đồng/lít và xăng RON95 là 29.192 đồng/lít. Tuy có giảm so với kỳ điều chỉnh trước đó nhưng giá xăng hiện nay vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, giá các loại dầu vẫn ở mức cao sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ từ 20.423 - 23.633 đồng/lít.

Trước tình hình này, nhiều DN, HTX kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đã xoay sở cân đối chi phí và buộc phải điều chỉnh giá cước tăng khoảng 7-12%. Bà Nguyễn Thị Nga - đại diện HTX Vận tải thủy bộ TP Sa Đéc cho biết: “Trước tình hình giá xăng, dầu tăng mạnh, đơn vị buộc phải xin điều chỉnh giá vé tăng từ 10-11%. Việc tăng giá vé vận tải đã thông qua Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Đồng Tháp phê duyệt; đồng thời gửi phương án tăng giá cho các bến xe, niêm yết trong và ngoài xe. Sau khi có phương án chính thức, các đơn vị vận tải sẽ phát hành đúng theo giá đã niêm yết để người dân có nhu cầu đi xe nắm rõ”.

Vừa mua vé xe tuyến Sa Đéc - TP Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Lâm ngụ xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc không quá bất ngờ khi giá cước tăng hơn so với vài tháng trước. Ông Lâm cho biết: “Trước Tết, mua vé từ Bến xe Miền Tây về quê chỉ khoảng 100.000 đồng. Sau khi giá xăng, dầu tăng, giá vé xe đã tăng thêm 20.000 đồng/vé. Dù giá vé tăng nhưng tôi cũng thấy bình thường vì mức này phù hợp với chi tiêu. Vì nếu tính toán khi đổ xăng xe gắn máy để di chuyển từ TP Hồ Chí Minh về quê thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều so với đi xe khách”.

Ông Nguyễn Văn Dựa - Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Đồng Tháp cho biết: “Đơn vị đã tiếp nhận khoảng 9 hồ sơ kê khai điều chỉnh giá cước vận tải. Qua từng hồ sơ, đơn vị đều có rà soát biến động chi phí đầu vào, trong đó tỷ lệ tăng giá cước vận tải phù hợp với tỷ lệ tăng giá xăng, dầu tại thời điểm kê khai. Cùng với đó, để các đơn vị nắm rõ từng quy trình, đơn vị có công văn triển khai hướng dẫn của Bộ GTVT nhằm giúp các DN, đơn vị vận tải căn cứ vào biến động của các yếu tố hình thành giá. Việc điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của hành khách và đơn vị kinh doanh”.

Người tiêu dùng chọn mua thịt tại chợ Cao Lãnh

Người tiêu dùng chọn mua thịt tại chợ Cao Lãnh

Hàng hóa tiêu dùng đảm bảo nhu cầu

Theo ghi nhận tại các chợ truyền thống, siêu thị, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động kinh doanh vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Trong đó, nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng tuy có tăng giá nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.

Ông Huỳnh Minh Tùng - Trưởng Ban Quản lý chợ Cao Lãnh cho biết: “Hiện nay, giá cước vận tải tăng do giá xăng, dầu tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng rau, củ, trái cây tăng từ 10-20% để bù lại chi phí vận chuyển. Dù vậy, sức tiêu thụ tại chợ vẫn bình ổn; các tiểu thương vẫn nhập hàng hóa thường xuyên nhằm cung ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân”.

Giá cước vận tải tăng khiến cho nhiều loại hình dịch vụ, bán lẻ cũng rục rịch tăng giá theo. Ông Nguyễn Văn Nhân - chủ một sạp tạp hóa ở chợ Cao Lãnh cho hay, so với thời điểm cuối năm 2021 thì hiện nay nhiều mặt hàng tiêu dùng như: dầu ăn, bột ngọt, đường, nước chấm, mì ăn liền... đều rục rịch tăng giá. Trong đó, các mặt hàng dầu ăn, sữa, mì ăn liền có mức tăng nhiều nhất.

Còn theo ông Phan Thế Thảo - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh: “Thời gian qua, đơn vị đã lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng về dự trữ nguồn hàng với nhà cung cấp nhằm thích ứng trước việc giá xăng, dầu tăng cao. Đặc biệt, với mặt hàng được quan tâm là rau, củ, quả, nông sản, nhờ thực hiện chính sách ký hợp đồng và cam kết với đơn vị sản xuất và cung ứng hàng hóa lâu dài tại nhiều địa phương trong cả nước nên nguồn cung các nhóm hàng này vẫn đang ổn định. Bên cạnh đó, để kích cầu tiêu dùng, đơn vị cũng phối hợp với nhà cung cấp để luân phiên thực hiện các đợt giảm giá hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân”.

Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Trong bối cảnh giá hàng hóa biến động, công tác quản lý, điều hành đã được ngành công thương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm và đề ra những giải pháp kịp thời. Trong đó, giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu (trừ xăng, dầu, ga) cơ bản vẫn đảm bảo bình ổn. Cùng với đó, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi không tăng giá, tăng chương trình khuyến mãi. Thời gian qua, ngành công thương khuyến khích DN thương mại thực hiện bình ổn giá, tăng chương trình khuyến mãi, khuyến khích DN sản xuất ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại nhằm nâng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, phục vụ người dân...”.

Khánh Phan

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/thi-truong-binh-on-trong-con-bao-gia-xang-dau-104617.aspx