Thị trường cho thuê tài chính 'nghẹt thở' vì thiếu cấp phép mới

Theo lãnh đạo Hiệp hội Cho thuê tài chính, suốt gần 15 năm qua, chưa có công ty cho thuê tài chính nào được cấp phép mới. Việc xem xét nâng số lượng doanh nghiệp lên gấp 10 lần, mở rộng dư nợ lên 300.000 - 500.000 tỷ đồng 5 năm tới, nới lỏng điều kiện hoạt động và bổ sung danh mục tài sản được cho thuê là cần thiết.

Chỉ khi số lượng doanh nghiệp đủ lớn mới có thể mở rộng dư nợ cho thuê tài chính. Ảnh tư liệu

Chỉ khi số lượng doanh nghiệp đủ lớn mới có thể mở rộng dư nợ cho thuê tài chính. Ảnh tư liệu

Chia sẻ tại cuộc họp báo trao đổi về một số hoạt động ngành cho thuê tài chính do Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam vừa tổ chức, Tổng Thư ký Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh, Nghị quyết số 68/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân là cơ hội chưa từng có với các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi, trong đó có các công ty cho thuê tài chính.

Mở rộng danh mục cho thuê tài sản

Trao đổi với phóng viên, Tổng Thư ký Phạm Xuân Hòe cho biết, hiện danh mục tài sản cho thuê tài chính chủ yếu tập trung vào nhóm tài sản hữu hình như: máy móc thiết bị, tàu thuyền, ô tô, thiết bị y tế, dây chuyền sản xuất và cho vay vốn lưu động. Còn các loại tài sản vô hình chưa được cho phép, song tiềm năng và nhu cầu thuê các loại tài sản này rất lớn. Dù vậy, để triển khai hiệu quả, các doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân sự am hiểu sâu sắc về đặc điểm, giá trị sử dụng và rủi ro liên quan đến loại tài sản này.

Việc mở rộng các nhóm tài sản được các đơn vị kiến nghị trong thời gian dài. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thuê thiết bị bay không người lái phục vụ nông nghiệp. Điều này cho thấy cần mở rộng không gian phát triển các loại tài sản phi truyền thống hơn thời gian tới.

Cũng theo ông Hòe, trong suốt gần 15 năm qua, chưa có công ty cho thuê tài chính nào được cấp phép mới. Việc thành lập công ty cho thuê tài chính hiện chịu sự quản lý chặt chẽ, với nhiều điều kiện khó tiếp cận, quy trình cấp phép chưa thật sự thông thoáng.

"Chỉ khi số lượng doanh nghiệp đủ lớn mới có thể mở rộng dư nợ cho thuê tài chính, đóng góp vào nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, đồng thời giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng thương mại" - ông Hòe nhấn mạnh.

Rộng cửa cấp phép mới, nới lỏng điều kiện hoạt động

Thời gian tới, để thực thi tốt Nghị quyết 68-NQ/TW, Hiệp hội Cho thuê tài chính kiến nghị cần có quan điểm mở, thông thoáng hơn trong cấp phép, thành lập công ty cho thuê tài chính.

"Tại nhiều quốc gia, số lượng công ty cho thuê tài chính gấp 10 lần ngân hàng thương mại. Việt Nam hiện có 37 ngân hàng thương mại thì số công ty cho thuê tài chính cần đạt 370 - 400 đơn vị để mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh" - ông Hòe nhìn nhận.

Quản trị rủi ro thanh khoản tại công ty cho thuê tài chính minh bạch hơn do hoạt động cấp tín dụng và nguồn vốn được kế hoạch hóa rõ ràng, không được phép mở tài khoản thanh toán nên không có rủi ro hụt thanh khoản tức thì như ngân hàng thương mại. "Vì vậy, cần hạ tỷ lệ an toàn chi trả bằng VND trong 30 ngày từ mức 20% về lại mức 5% như quy định trước đây" - lãnh đạo Hiệp hội Cho thuê tài chính kiến nghị.

Một điểm bất cập khác là mức dư nợ cho thuê đối với khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan hiện tại vượt 0,5% vốn tự có phải báo cáo theo Luật Các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, vốn tự có chỉ từ 150 - 200 tỷ đồng thì việc cho thuê chỉ 1 tỷ đồng đã phải báo cáo là không hợp lý. Do đó, cần điều chỉnh ngưỡng này lên 5% vốn tự có để giảm thủ tục hành chính không cần thiết./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-cho-thue-tai-chinh-nghet-tho-vi-thieu-cap-phep-moi-176980.html