Thị trường chứng khoán chốt tuần đầu tiên quý II trong sắc đỏ

Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực trong tuần qua khi có tới 4/5 phiên giao dịch chỉ số VN-Index giảm điểm.

Chốt phiên giao dịch ngày cuối tuần (ngày 5/4), VN-Index giảm 13,14 điểm xuống 1.255,11 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 25.193 tỷ đồng. Toàn sàn có 116 mã tăng giá, 381 mã giảm giá và 57 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 2,76 điểm xuống 239,68 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 131 triệu đơn vị, tương ứng trên 2.755,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng giá, 106 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,36 điểm xuống 90,65 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 86,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 975 tỷ đồng. Toàn sàn có 158 mã tăng giá, 176 mã giảm giá và 111 mã đứng giá.

Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực trong tuần qua. Ảnh minh họa: TTXVN

Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực trong tuần qua. Ảnh minh họa: TTXVN

Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm sâu trong phiên hôm nay. Nhóm thép không còn mã nào ở chiều tăng giá, trong khi PVG và POM giảm sàn, các mã DTL, HMC, HPG, HSG, SMC, TLH, VGS ở chiều giảm giá,

Nhóm cổ phiếu cao sư cũng giảm sâu với DPR, DRC giảm sàn, CSM, PHR, TRC cũng chìm trong sắc đỏ. Tại nhóm chứng khoán, CTS và FTS giảm sát sàn. Các mã SSI, SHS, HCM, VDS, VND, MBS, BVS... có mức giảm sâu.

Ở nhóm ngân hàng, chỉ có VPB và LPB là ngược dòng tăng nhẹ, còn đa số giảm trên 1% như VCB, BID, CTG, TCB, MBB, ACB, TPB, MSB. Riêng VIB giảm trên 2%.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, NVL tăng tới 4,57%. CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã chứng khoán: NVL) đặt kế hoạch doanh thu khoảng 1,3 tỷ USD, gấp gần 7 lần năm 2023 và lãi tăng gấp đôi lên gần 1.080 tỷ đồng.

Theo tài liệu họp cổ đông thường niên năm 2024 của công ty này, doanh thu kỳ vọng đạt 32.587 tỷ đồng, tăng 585% (tức gần 7 lần) so với năm trước. Mục tiêu lãi sau thuế khoảng 1.079 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ.

Bên cạnh cổ phiếu của Novaland, các mã TCH, CRE, NTL, DPG cũng chốt phiên trong sắc xanh. Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu bất động sản. Có thể kể đến trường hợp VRE giảm 2,37%, KDH giảm 2,28%, KBC giảm 2,08%, NLG giảm 1,91%, VCG giảm 2,36%, HDG giảm 3,39%, DXS giảm 2,75%, HDC giảm 2,65%, SZC giảm 5,07%.

Ở chiều tích cực, sắc xanh xuất hiện khá nhiều tại nhóm cổ phiếu dầu khí. Các mã như BSR, OIL, POS, PVB, PVC, PVE, TOS đều ở chiều tăng giá.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, VN-Index ghi nhận tuần giao dịch giảm điểm khi áp lực bán liên tục gia tăng ngay sau khi chỉ số chung tiếp cận lại khu vực kháng cự mạnh quanh 1.290 – 1.300 điểm.

Hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực bán, trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ngân hàng và chứng khoán có mức giảm lần lượt là 3,1% và 2,86% đã tạo tiền đề xấu, đè nặng sự tiêu cực lên thị trường.

Ở chiều ngược lại, thanh khoản mua chủ động vẫn tìm đến nhóm dầu khí, điện nước với các mã tăng điểm tốt có thể kể đến như PVD, PVS, GAS.

Trong tuần vừa qua thanh khoản toàn thị trường đang có phần sụt giảm trong nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn của thị trường, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư và áp lực chốt lời ngắn hạn liên tục gia tăng.

Trong phiên cuối tuần, khối ngoại bất ngờ đảo chiều mua ròng nhẹ với thanh khoản 42,79 tỷ, tập trung mua NVL, DXG, MWG.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-chung-khoan-chot-tuan-dau-tien-quy-ii-trong-sac-do/329024.html