Thị trường chứng khoán có xu hướng tích lũy đi ngang, nhà đầu tư không vội vàng mua mới
Ở thời điểm hiện tại, xu hướng tích lũy đi ngang và biến động hẹp vẫn chiếm ưu thế nên chúng ta không cần quá vội vàng mua mới. Thay vào đó tiếp tục ưu tiên chờ thị trường chung rung lắc để mở vị thế mua thăm dò những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý 1/2024…
Chứng khoán ngày 14/5, sau 3 phiên liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh, VN-Index phiên giao dịch hôm nay tăng điểm ngay từ đầu phiên lên lại vùng giá quanh kháng cự 1.250 điểm, chịu áp lực rung lắc về vùng giá 1.240 điểm. Kết phiên VN-Index tăng 3,10 điểm (+0,25%) lên mức 1.243,28 điểm, vẫn dưới vùng kháng cự mạnh 1.245 điểm - 1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
HNX-Index tích cực hơn khi có 9 phiên liên tiếp tăng điểm lên mức 236,95 điểm. Thị trường tiếp tục phân hóa khi nhiều mã vẫn phục hồi tốt. Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch nghiêng về tích cực khi có 315 mã tăng (18 mã tăng trần), 279 mã giảm giá (11 mã giảm sàn), và 147 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 17.131 tỷ đồng, giảm 9,12% so với phiên trước và tương ứng 70% mức trung bình. Diễn biến này cho thấy thị trường phân hóa khá mạnh, các mã giảm điểm chịu áp lực điều chỉnh tích lũy tương đối bình thường, trong khi đa số phục hồi, tăng giá thanh khoản vẫn thấp.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên HOSE với giá trị 798,12 tỷ đồng, tập trung bán ròng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép; bán ròng trên HNX với giá trị 11,14 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su là điểm nhấn hồi phục của thị trường trong phiên hôm nay, khi nhiều mã vượt lên vùng giá đỉnh gần nhất, nhiều mã hướng đến vùng đỉnh giá năm 2021, 2022 với thanh khoản gia tăng tốt, tập trung nhiều ở các mã có kết quả kinh doanh quý 1/2024 tăng trưởng mạnh như BCM (+3,91%), SZC (+3,12%), IDC (+1,77%), PHR (+2,91%)...ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ với D2D (-1,61%), IDV (-0,53%)...
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng có diễn biến tích cực với điểm nhấn VIC (+2,33%) tăng mạnh từ đầu phiên trước thông tin mở bán phiên bản xe điện VF3 và cổ phiếu VinFast (mã chứng khoán: VFS – Nasdaq) tăng mạnh phiên đêm qua tại Mỹ, tiếp theo là MWG (+3,09%) vượt đỉnh giá tháng 9/2023 thanh khoản khá đột biến, VIB (+1,87%), VPB (+1,60%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như PLX (-2,22%), VJC (-1,42%), BID (-1,03%)....
Nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông sau áp lực điều chỉnh, nhiều mã tiếp tục tăng giá mạnh vượt trội so với thị trường chung, thanh khoản gia tăng mạnh với CMG (+6,85%), ELC (+5,84%), VGI (+2,24%)... Trong khi đó đa số các nhóm ngành còn lại biến động, tích lũy trong biên độ hẹp, thanh khoản dưới mức trung bình.
Có thể trải lệnh mua tỷ trọng nhỏ khi chỉ số lui về quanh 1.220 (+/-5) điểm Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Phe bán một lần nữa cho phản ứng tương đối quyết liệt quanh cận dưới vùng kháng cự gần 1.260 (+/-10) điểm và làm suy yếu đà hưng phấn của lực cầu.
Mặc dù vậy, điểm tích cực là nhóm cổ phiếu trụ vẫn thay phiên giữ nhịp chính cho thị trường và thanh khoản vẫn giữ được mặt bằng thấp khi áp lực điều chỉnh gia tăng.
Nhiều khả năng áp lực rung lắc giằng co vẫn diễn biến chủ đạo trong những phiên tới, tuy nhiên đà tăng của chỉ số VN-Index sẽ có cơ hội trở lại tại quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.220 (+/-5) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm, có thể trải lệnh mua tỷ trọng nhỏ các vị thế trading trở lại khi chỉ số lui về quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.220 (+/-5) điểm.
Xu hướng tích lũy đi ngang chiếm ưu thế Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Ở thời điểm hiện tại, xu hướng tích lũy đi ngang và biến động hẹp vẫn chiếm ưu thế nên chúng ta không cần quá vội vàng mua mới. Thay vào đó tiếp tục ưu tiên chờ thị trường chung rung lắc để mở vị thế mua thăm dò ở những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý 1/2024 vừa qua và căn chờ VN-Index lên ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.265 để bán. Tỷ trọng mua ở mức thăm dò và chỉ tăng thêm vị thế mua khi mua thăm dò đã có lợi nhuận.
Mắc ở ngưỡng kháng cự 1.250 điểm Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường cần thêm tín hiệu cụ thể hơn để xác định xu hướng tiếp theo, hiện tại nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng vì VN-Index vẫn đang mắc ở ngưỡng kháng cự 1.250 điểm.
Tận dụng để cơ cấu danh mục Chứng khoán Asean
Thị trường trải qua một phiên tăng điểm nhưng áp lực bán chủ động tương đối rõ ràng và độ rộng thị trường chủ yếu nghiêng về bên bán. Thanh khoản khớp trên sàn vẫn ở mức thấp, nhưng số lượng lệnh bán lớn gia tăng là tín hiệu đáng lo ngại. Đáng chú ý hơn, khối ngoại tiếp tục thể hiện quan điểm tiêu cực đối với thị trường khi bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp.
Trong bối cảnh giá trị giao dịch thấp, tác động của nhóm nhà đầu tư nước ngoài càng trở nên rõ rệt. Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm rằng thị trường có thể trải qua một đợt điều chỉnh trong tuần này và nhà đầu tư nên tận dụng để cơ cấu danh mục.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.