Thị trường chứng khoán đã rơi vào xu hướng giảm ngắn hạn?

Độ rộng thị trường đang co hẹp, liên tục đánh mất vùng hỗ trợ quan trọng, nhóm Midcap và Penny xuất hiện tín hiệu giảm, trong khi nhiều mã cổ phiếu Largecap đang quay lại test đáy… là những dấu hiệu cho thấy nhiều nhóm cổ phiếu đã mất đi động lực tăng ngắn hạn và rơi vào điều chỉnh, củng cố tín hiệu điều chỉnh tiếp diễn.

Sau nhiều phiên điều chỉnh liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên 19/12 hồi phục. Tuy nhiên, mức tăng của phiên này chưa đủ để VN-Index lấy lại mốc 1.100 điểm do thanh khoản thấp. Một số cổ phiếu tăng nóng trước đó bị chốt lời ồ ạt.

Một nhịp điều chỉnh dễ quay trở lại

Có thể thấy, kể từ đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 9 tới nay, VN-Index rơi vào trạng thái sideway down với những phiên hồi phục với biên độ nhỏ, sau đó nhịp điều chỉnh sâu hơn xuất hiện xóa sạch đà tăng của chỉ số.

Kể từ đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 9 tới nay, VN-Index rơi vào trạng thái sideway down với những phiên hồi phục với biên độ nhỏ.

Kể từ đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 9 tới nay, VN-Index rơi vào trạng thái sideway down với những phiên hồi phục với biên độ nhỏ.

Cùng với việc chỉ số chính liên tục đánh mất hai vùng hỗ trợ quan trọng MA50 và MA200, nhiều ý kiến lo ngại rằng xu hướng giảm ngắn hạn của chỉ số đã thực sự được xác lập.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS, việc TTCK Mỹ điều chỉnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số trong nước. Nhìn từ đồ thị ngày, VN-Index đã để mất đồng thời hai vùng hỗ trợ mạnh là MA50 và MA200 trong một tuần, tiếp tục nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn. Do đó, diễn biến điều chỉnh có thể tiếp diễn, VN-Index có thể sẽ kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ mạnh gần nhất 1.076 – 1.082 hoặc thấp hơn nữa là 1.028 – 1.050 điểm.

Đáng chú ý, độ rộng thị trường đang co hẹp, số mã nằm trên các đường xu hướng quan trọng như MA10/20/50 sụt giảm mạnh. Điều đó cho thấy nhiều nhóm cổ phiếu đã mất đi động lực tăng ngắn hạn và rơi vào điều chỉnh để mất hỗ trợ gần là MA10/20 ngày củng cố tín hiệu điều chỉnh tiếp diễn.

Bên cạnh đó, nhóm Midcap và Penny xuất hiện tín hiệu giảm, trong khi nhiều mã cổ phiếu Largecap đang quay lại test đáy. Sau nhịp tăng tích cực của nhóm Midcap và Penny trong thời gian vừa qua, áp lực chốt lời và điều chỉnh đang gia tăng trở lại với nhóm cổ phiếu này khiến diễn biến giảm giá mạnh đang quay trở lại. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu Largecap trong rổ VN30 đang yếu đi khá nhanh trước áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều cổ phiếu mang tính "trụ cột" vẫn đang tăng trưởng âm so với đầu năm, nằm trong downtrend và đang quay lại kiểm nghiệm đáy cũ như MSN (Masan), SAB (Sabeco), VHM (Vinhomes), GAS (PV Gas), VNM (Vinamilk),...

Mặt khác, đà tăng của thị trường đang bị chắn bởi hai đường kháng cự EMA 233 & EMA 144 trùng với thời điểm nhà đầu tư nước ngoài có chuỗi bán ròng mạnh nhất trong năm nay. Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm ngắn hạn đang diễn ra và có thể test lại các vùng hỗ trợ gần 1.076 – 1.082 hoặc thấp hơn nữa là 1.028 – 1.050.

“Mọi thứ đang củng cố cho tín hiệu nền thị trường yếu và khá phân hóa, một nhịp điều chỉnh có thể đang quay trở lại trong thời điểm này”, chuyên gia VPBankS nhấn mạnh

Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích FIDT, về góc độ kỹ thuật, VN–Index hiện nay chưa xác nhận tạo mô hình 2 đỉnh. Tuy nhiên, nếu trong những phiên tiếp theo, chỉ số thủng mốc 1.080, thì có thể xác nhận VN–Index tạo mô hình 2 đỉnh, và sẽ hướng đến mốc hỗ trợ tiếp theo – đáy cũ 1.020.

“Tôi cho rằng các mô hình nên dùng để tham khảo hỗ trợ cho quyết định đầu tư hơn là dùng độc lập một tín hiệu để ra quyết định. VN-Index sẽ dao động trong các biên độ dao động mạnh và chờ đợi kỳ vọng, khả năng test về đáy 1.020 không cao nhưng vẫn có thể xảy ra nếu áp lực từ khối ngoại sắp tới tiếp tục lớn”, ông Phương nói.

Hành động của nhà đầu tư

Trong bối cảnh này, chuyên gia FIDT lưu ý, thời điểm cuối năm 2023, nhà đầu tư cần hoạch định chiến lược đầu tư dựa vào đánh giá triển vọng năm 2024. Với việc kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi tốt hơn trong năm sau và mở đầu cho giai đoạn phát triển sau đó, các yếu tố bên ngoài tác động cũng sẽ giảm thiểu thì chỉ số VN-Index sẽ có nhiều triển vọng trong năm 2024, có thể đạt mức 1.300 điểm vào cuối năm, tương đương tăng hơn 17% so với hiện nay.

Tuy nhiên, quá trình tăng của chỉ số sẽ theo hướng "sideway up" với việc tăng giảm đan xen trong các biên độ. Do đó, nhà đầu tư cần chọn chiến lược phù hợp từ thời điểm hiện nay.

Với việc trading ngắn hạn, nhà đầu tư có thể trading trong biên độ dao động và không nên mua đuổi trong các đợt chỉ số tăng mạnh và nên mở mua khi thị trường điều chỉnh về vùng dưới của biên.

Với các nhà đầu tư trung và dài hạn thì đây vẫn là giai đoạn tích lũy tài sản phù hợp nhưng vẫn cần có sự đa dạng nhất định trong danh mục khi nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng giá mạnh và phân hóa định giá giữa các nhóm ngành đã tương đối lớn.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể quan tâm các nhóm cổ phiếu có câu chuyện trong năm 2024 như câu chuyện liên quan đến đầu tư hạ tầng với nhóm xây lắp dầu khí, xây dựng hạ tầng, xây lắp điện, câu chuyện xuất khẩu phục hồi với nhóm xuất khẩu cá tra, nhóm bất động sản khu công nghiệp với việc Việt Nam tiếp tục trở thành hub thu hút đầu tư nước ngoài, hay câu chuyện chưa bao giờ cũ là KRX và nâng hạng thị trường.

Còn ông Trần Hoàng Sơn nhấn mạnh về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư nên xem xét tái cấu trúc lại danh mục trong giai đoạn này, đưa tỷ trọng về mức hợp lý nhằm tránh những nhiễu động và điều chỉnh của thị trường trong ngắn hạn. Chiến lược trading nên được ưu tiên và vùng mua có thể ở hai vùng hỗ trợ gần nhất là 1.076 – 1.082 hoặc thấp hơn nữa là 1.028 – 1.050 và bán khi xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật. Nhóm ngành ưu tiên có dòng tiền tham gia tích cực, đã điều chỉnh về nền giá hợp lý như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng, dầu khí,...

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/thi-truong-chung-khoan-da-roi-vao-xu-huong-giam-ngan-han-1097359.html