Thị trường chứng khoán đang trên một chuyến tàu lượn siêu tốc
Thị trường chứng khoán đang trên một chuyến tàu lượn siêu tốc khi các nhà đầu tư liên tục thay đổi trước các thông tin thị trường.
Đó là những biến động bất ổn gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ khi cổ phiếu lao dốc sau báo cáo lạm phát vào tháng 9 vượt quá kỳ vọng, rồi lại tăng vọt trong tuần này do báo cáo lợi nhuận lạc quan.
Báo cáo kết quả kinh doanh tích cực từ những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Netflix đã tiếp tục giúp cổ phiếu tăng giá, nhưng điều đó càng phản ánh sự thiếu kiên nhẫn "bất thường" của các nhà đầu tư và điều này đang ngăn cản đà hồi phục hoàn toàn của thị trường.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không đi tới đâu trên tàu lượn siêu tốc này vì chúng ta sẽ định kỳ có được những đợt phục hồi của thị trường gấu. Như tôi đã nói, đây là một thị trường rất thiếu kiên nhẫn, các nhà đầu tư dường như không có khả năng chịu đựng nỗi đau, vì vậy bất kỳ dấu hiệu thông tin nào có thể bắt đầu thổi theo hướng của họ, điều đó sẽ khiến một xu hướng hồi phục kéo dài từ hai đến ba ngày”, Lisa Shalett, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management cho biết.
Nguyên nhân một phần là do thị trường chưa cảm nhận được hết tác động của việc Fed thắt chặt tiền tệ trong năm nay. Ngân hàng trung ương vừa ban hành đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong năm trong một nỗ lực nhằm hạ giá, nhưng điều đó vẫn chưa có dấu hiệu làm chậm lại thị trường lao động hoặc lợi nhuận doanh nghiệp và điều này đã khiến các đợt hồi phục của thị trường không kéo dài được lâu.
Trong báo cáo hôm thứ Tư (19/10), Vanda Research cho biết, tốc độ giao dịch cổ phiếu của các nhà đầu tư cá nhân Mỹ đã chậm lại sau báo cáo lạm phát cao hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, một đà hồi phục bền vững trên thị trường gấu có thể làm hồi sinh lại nhu cầu mua cổ phiếu của các nhà đầu tư.
Marco Iachini, Phó chủ tịch cấp cao của bộ phận nghiên cứu tại Vanda Research cho biết: “Các nhà đầu tư cá nhân đã miễn cưỡng tăng mức rủi ro của họ sau khi chỉ số CPI cao hơn dự đoán”. Chỉ số lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 9 được công bố vào tuần trước là 6,6%, cao hơn mức ước tính đồng thuận của Bloomberg là 6,5%.
Vanda Research lưu ý rằng, các nhà đầu tư cá nhân đang đi ngược lại trong ngắn hạn và giảm mua ròng ở giai đoạn đầu của sự phục hồi của thị trường giá xuống do sự phục hồi không xuất phát từ sự thay đổi môi trường vĩ mô đáng chú ý.
Bất chấp sự sụt giảm nhất quán của giá cổ phiếu trong năm nay khi cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều rơi vào thị trường giá xuống, kịch bản tăng giá vẫn có thể xảy ra đối với cổ phiếu trong năm 2023.
Theo Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, sự kết hợp của các yếu tố bao gồm đỉnh điểm của lạm phát và lãi suất có thể thúc đẩy cổ phiếu tăng giá vào năm 2023.
“Chúng tôi rất thận trọng về xu hướng ngắn hạn của chứng khoán Mỹ cũng như chứng khoán toàn cầu nên luôn cân nhắc đến khía cạnh khác của giao dịch”, ông cho biết.
Yếu tố đầu tiên mà các nhà đầu tư cần nhìn thấy để có được niềm tin vào kỳ vọng giá cổ phiếu cao hơn là lạm phát thực sự tại đỉnh cũng như ảnh hưởng của lạm phát đối với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Theo Nicholas Colas, kỳ vọng lạm phát hàng năm dự kiến trong 5 năm đang ở mức 2,4% - điều này đồng nghĩa với kỳ vọng lạm phát sẽ giảm mạnh so với mức 8% hiện tại. Đó là một dấu hiệu tốt đối với thị trường và một số sự suy giảm lạm phát sẽ có thể nhìn thấy trong 6 tháng tới.
Trong khi đó, các thị trường đang định giá lãi suất cho vay sẽ ở mức cao nhất từ tháng 3 đến tháng 5/2023. Sự kết hợp giữa mức đỉnh điểm của lạm phát và việc Fed tạm dừng tăng lãi suất sẽ giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư.
Trường hợp tăng giá đối với cổ phiếu sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ hơn nếu ước tính lợi nhuận doanh nghiệp của các nhà phân tích ngừng giảm và chạm đáy. Theo ông Colas, các nhà phân tích đã cắt giảm ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp khoảng 1% mỗi tháng kể từ tháng 6.
“Mặc dù được dự đoán dựa trên giả định lợi nhuận của các công ty có thể giữ ở mức hiện tại, nhưng vẫn có một con đường để tin rằng trong thời gian 6 tháng nữa, các ước tính của các nhà phân tích sẽ hoàn thiện và các ước tính trong năm sẽ cho thấy sự tăng trưởng trở lại. Kết hợp những điểm này lại với nhau và bạn sẽ có một trường hợp tăng giá hợp lý cho chứng khoán Mỹ."
Nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro và bất kỳ sự chệch hướng nào của các yếu tố trên sẽ thiết lập lại xu hướng 6 tháng tới và dẫn đến tình trạng ảm đạm hơn cho thị trường chứng khoán.
"Tất nhiên những giả định là không có thêm tin xấu nào về lạm phát hay chính sách của Fed, lợi nhuận doanh nghiệp và khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Những thất vọng trên bất kỳ hoặc tất cả các mặt đó sẽ thiết lập lại đồng hồ thị trường 6 tháng", ông Nicholas Colas cho biết.