Thị trường chứng khoán: Đầu tư gì đến cuối năm?

Thị trường chứng khoán 9 tháng qua biến động mạnh khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân rút khỏi thị trường. Không chỉ thế, những yếu tố bên ngoài lẫn nội tại cũng đang tác động đến các nhà đầu tư hiện hữu lẫn tiềm năng, dẫn đến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành.

Chứng khoán đã hết hấp dẫn?

Thị trường chứng khoán trong 9 tháng qua có nhiều biến động mạnh.

Thị trường chứng khoán trong 9 tháng qua có nhiều biến động mạnh.

Có thể thấy, phiên giao dịch đầu tuần (ngày 19/9) vừa qua là một ví dụ khi chỉ số các sàn liên tục giảm mạnh. Hầu hết các nhóm ngành đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất phải kể đến các nhóm ngành chứng khoán, bán buôn, chế biến thủy sản, sản xuất nhựa – hóa chất, sản xuất hàng gia dụng, tài chính – ngân hàng, bất động sản… Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư "nản lòng".

Dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng cho thấy, trong tháng 8 qua, số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở mới là 155.456 tài khoản, giảm 22% so với số lượng mở mới trong tháng 7 (199.562 tài khoản) và giảm ba lần so với kỷ lục đạt được vào tháng 5/2022 (476.000 tài khoản).

Dù tính chung cả 8 tháng năm 2022, cá nhân trong nước mở mới ròng gần 2,2 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 43% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021, nhưng sự sụt giảm liên tiếp trong tháng 7 và 8 vừa qua cho thấy, nhiều người dường như đang giảm mức độ hứng thú đối với kênh đầu tư này.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán ACB (ACBS), mặc dù mức thanh khoản hiện tại đang ở mức khá cao so với giai đoạn trước đó, chỉ số VN-Index đã có sự hồi phục đáng kể từ thời điểm đáy thiết lập vào tháng 7 vừa qua, tuy nhiên, nhìn vào diễn biến của thị trường tháng 8 và tháng 9, chỉ số vẫn đi ngang và “lình xình”. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán trong thời gian qua được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư cá nhân.

“Có thể thấy, giai đoạn 2021, giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân rất cao, góp phần nâng đỡ thị trưởng đi lên “thẳng đứng”. Đến tháng 12/2021, khi thị trường chứng khoán đi vào giai đoạn “khủng hoảng”, nhiều nhà đầu tư cá nhân không thể trụ lại thị trường vì dùng margin quá cao, chiếm 50 - 70% trong tổng số tiền giao dịch, dẫn đến thanh khoản thị trường ngày càng thu hẹp. Trung bình 1 tháng trở lại đây, thanh khoản thị trường chỉ còn khoảng 13 ngàn tỷ/ngày, giảm 40% so với giai đoạn đỉnh năm 2021”, bà Trường Minh Trang, Giám đốc điều hành dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup chia sẻ.

Chưa kể, với xu hướng lãi suất bắt đầu đi lên trong gần một năm qua, tiền đã không còn rẻ nữa. Nếu như trước đây, hàng loạt công ty chứng khoán nhờ tiếp cận dòng vốn rẻ đã đua nhau triển khai các chương trình cho vay ký quỹ với lãi suất thấp, thúc đẩy nhiều nhà đầu tư cá nhân sử dụng margin hết mức có thể và khiến dòng tiền luân chuyển sôi động trên thị trường thì nay, với mặt bằng lãi suất đang đi lên, lãi suất vay margin cũng tăng theo khiến nhà đầu tư giảm bớt động lực sử dụng margin.

Bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Phó phòng phân tích ACBS cho biết, do lãi suất tăng cao trong khi xu hướng thị trường vẫn chưa thật sự rõ ràng với rủi ro điều chỉnh giảm thêm vẫn hiện hữu, nhiều nhà đầu tư đã quay lại với lựa chọn gửi tiết kiệm, vừa an toàn mà cũng đảm bảo mức độ hiệu quả nhất định. Nếu như hai năm trước tiền từ kênh tiết kiệm chuyển sang chứng khoán thì giờ đây xu thế có thể đang đảo ngược lại.

Một điểm đáng lưu ý khác là việc nền kinh tế Việt Nam đang trở lại chu kỳ phục hồi cũng thúc đẩy doanh nghiệp rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của mình, đảo ngược sự dịch chuyển dòng tiền từ hoạt động sản xuất vào chứng khoán do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua. Điều này càng ảnh hưởng đến dòng tiền của thị trường vốn đã suy giảm đáng kể trong những tháng qua.

Cơ hội đầu tư cuối năm

Các chuyên gia khuyến nghị, ngành bất động sản khu công nghiệp có nhiều triển vọng đầu tư từ nay đến cuối năm.

Các chuyên gia khuyến nghị, ngành bất động sản khu công nghiệp có nhiều triển vọng đầu tư từ nay đến cuối năm.

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup cho biết, hiện dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thực sự quay lại thị trường, tuy nhiên điều đó không có nghĩa thị trường chứng khoán sẽ mất đi cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới. Bởi hiện nay, dòng tiền trong tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư vẫn còn cao, với khoảng 70 ngàn tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhà đầu tư cá nhân vẫn đang thận trọng và tìm kiếm “một câu chuyện”, một cơ hội để có thể đưa dòng tiền quay trở lại.

Cũng theo bà Đỗ Hồng Vân, nhìn toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời điểm hiện tại; đồng USD đang được xem là rủi ro do Fed liên tục tăng lãi suất điều hành khiến tỷ giá ngày càng đi lên; bất động sản cũng chưa phải là kênh đầu tư có lợi do dòng tiền đầu tư vào thị trường này đang “bị nghẽn” vì NHNN hạn chế cho vay bất động sản, room tín dụng cho kênh này cũng không còn nhiều trong thời điểm này; với kênh tiết kiệm, đây được xem là cơ hội đầu tư tốt cho những ai thích an toàn, không thích mạo hiểm, nhưng không sinh lời cao.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, nhiều nhóm ngành không mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư, đó là thủy sản, hóa chất, phân bón, may mặc. Hiện chuỗi cung ứng của các nhóm ngành đã được cải thiện khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, giá giảm, nguồn cung cũng tăng lên nhưng nhu cầu hàng hóa từ nay đến cuối năm lại giảm, theo đó nhập khẩu cũng giảm theo nên nhóm ngành ngày trong nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn nửa đầu năm 2022.

Nhóm ngành bất động sản và thép cũng nằm chung giai đoạn khó khăn trong những tháng cuối năm. “Như phân tích ở trên, thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản dân cư vẫn khó hồi phục trong ngắn hạn do NHNN hạn chế cho vay, kéo theo nhu cầu về thép cũng giảm. Theo đó, nhà đầu tư nên cân nhắc đầu tư các nhóm ngành này”, bà Đỗ Hồng Vân chia sẻ.

Ngược lại, các nhóm ngành tiềm năng từ nay đến cuối năm là ngành điện, bất động sản khu công nghiệp, dược phẩm, vật liệu xây dựng, sữa, bán lẻ, tài chính – ngân hàng... Trong đó, bất động sản khu công nghiệp và tài chính - ngân hàng cần lưu tâm nhất.

Theo phân tích của bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, nguyên nhân việc chế biến, gia công sản xuất trước đây phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Khi Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID, các khu công nghiệp sản xuất, gia công cho các nước hầu như đều đang bị trì trệ. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm một nơi khác để sản xuất, gia công hàng hóa và Việt Nam là một trong những điểm lựa chọn hàng đầu, cùng với nhiều hiệp định thương mại được ký kết trước đó. Điều này đã khiến cho bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam ngày càng phát triển và tiềm năng còn rất nhiều.

Đối với ngành ngân hàng, bà Thanh Giao cho biết, lợi nhuận ròng (NIM) của các ngân hàng đang có sự phục hồi. Nhất là mới đây, NHNN đã đồng ý cho một số NHTM được nới room khoảng 2% cho toàn ngành. Theo các ngân hàng, mức nơi room này quá eo hẹp, không đủ mức tín dụng để cho vay nên lãi suất cho vay của ngân hàng từ nay đến cuối năm sẽ tăng.

“Tuy nhiên, chi phí dự phòng ở mức thấp nhờ chất lượng tài sản được cải thiện và bộ đệm dự phòng ngày một dày. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng được dự báo sẽ còn tăng trưởng. Vì vậy, nhóm ngành này từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều triển vọng để đầu tư”, bà Thanh Giao khuyến nghị.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thi-truong-chung-khoan-dau-tu-gi-den-cuoi-nam-20220919124556130.htm