Thị trường chứng khoán điều chỉnh dưới áp lực chốt lời
Áp lực bán kéo dài xuyên suốt phiên và gia tăng mạnh vào nửa cuối phiên chiều ngày 9/8 đã khiến cho VN-Index liên tục mất điểm, lùi sát về khu vực 1.230 điểm.
Với diễn biến thận trọng từ phiên trước, thị trường đã chuyển sắc đỏ ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 9/8. Diễn biến điều chỉnh là chủ đạo trong phiên, phần lớn là do ảnh hưởng từ diễn biến kém sắc của nhóm vốn hóa lớn. Tuy nhiên, mức giảm điểm vẫn còn hạn chế và dòng tiền vẫn đang tìm kiếm cơ hội ngắn hạn tại nhóm vừa và nhỏ.
Ngay từ sáng, thanh khoản bán đã chủ động xuất hiện với gần 300 mã giảm điểm đã khiến cho thị trường liên tục rung lắc và đã có lúc giảm dưới khu vực 1.240 điểm. Hầu hết tất cả các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh, trong đó nhóm cổ phiếu bán lẻ và bất động sản ghi nhận mức giảm lớn nhất lần lượt là 1,72% và 1,35%.
Ở chiều ngược lại, chỉ có số ít nhóm ngành vẫn giữ được sắc xanh, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu thép với mức tăng xấp xỉ 1%.
Sự thận trọng được thể hiện rõ ràng hơn về gần cuối phiên sáng khi thanh khoản bán chủ động gia tăng nhanh chóng và chiếm gần 60% tổng thanh khoản thị trường khiến VN-Index liên tục mất điểm, lùi về sát khu vực 1.235 điểm.
Diễn biến rung lắc mạnh vẫn tiếp tục xảy ra trong phiên chiều cùng sắc đỏ đè nặng áp lực lên chỉ số chung.
Hai nhóm trụ cột Bất động sản (-1,6%) và Ngân hàng (-0,4%) là tác nhân chính kéo lùi chỉ số, phần lớn do ảnh hưởng của các mã đầu ngành, như VIC (-1,8%), VHM (-3,5%), VCB (-0,6%).
Kết phiên, VN-Index giảm 8,24 điểm (- 0,66%) và đóng cửa tại 1.233,99 điểm. Trước áp lực chốt lời gia tăng, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn, thị trường tạm thời thận trọng và lùi bước.
Đại diện cho nhóm vốn hóa lớn, chỉ số VN30 cũng giảm 0,64% với 27 mã giảm giá áp đảo, như: VHM (-3,5%), GVR (-2%), VNM (-1,9%), MWG (-1,9%)... Ngược lại, chỉ có 2 mã trong rổ VN30 tăng giá, đó là STB (+4,7%) và HPG (+2,2%).
VNMidcap (-0,45%) cũng mất điểm trong khi VNSmallcap (+0,4%) tiếp tục ngược dòng nhờ SJS kịch trần, BWE (+3,3%), HSG (+2,1%). Thanh khoản sàn HOSE giảm 6% so với phiên trước, đạt 21,6 tỷ đồng.
Quan sát diễn biến thị trường cho thấy trạng thái phân hóa mạnh. Mặc dù giảm điểm và nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn kém sắc nhưng số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn khá nhiều, đặc biệt là trên sàn HNX và UPCoM. Điều này chứng tỏ dòng tiền tạm thời vẫn có động thái rẽ hướng sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Cổ phiếu thép là nhóm có đóng góp hỗ trợ lớn về mặt điểm số mặc dù có diễn biến suy yếu trong phiên trước. Ngoài ra, nhóm Du lịch – Giải trí, nhóm Thực phẩm, nhóm Xây dựng và Vật liệu xây dựng cũng có diễn biến sôi động.
Trái ngược với dòng tiền khối nội, khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại với thanh khoản 339,8 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, họ mua nhiều nhất là HPG (+253,1 tỷ đồng), MSN (+157,4 tỷ đồng), SGN (+97,8 tỷ đồng), MWG (+62,8 tỷ đồng), VIC (+44,4 tỷ đồng)…
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư ngoại bán nhiều nhất là VHM (-126,5 tỷ đồng), tiếp theo là SSI (-109,3 tỷ đồng), VRE (-28 tỷ đồng), FRT (-25,5 tỷ đồng), VCB (-21,7 tỷ đồng)…
Thanh khoản giảm so với các phiên trước, cho thấy áp lực cung chưa gây sức ép lớn khi thị trường giảm điểm. Đồng thời, dòng tiền vẫn còn động thái luân chuyển giữa các nhóm ngành và tìm kiếm cơ hội ngắn hạn.
Với những tín hiệu này, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ tại vùng 1.230 điểm và hồi phục trở lại trong phiên giao dịch tiếp theo, tạm thời diễn biến hồi phục sẽ mang tính chất kiểm tra lại nguồn cung.