Thị trường chứng khoán điều chỉnh: Xu hướng ngắn hạn tiếp tục chịu áp lực
VN-Index giảm 0,33% xuống 1.317 điểm, tiếp tục xu hướng điều chỉnh sau giai đoạn tăng mạnh. Thị trường phân hóa, thanh khoản giảm, khối ngoại bán ròng 2.107 tỷ đồng, VN30F1M chịu áp lực bán mạnh với xu hướng SHORT gia tăng...

Tuần 23/4-28/3, sau khi tạo vùng đỉnh ngắn hạn quanh 1.340 điểm và kết thúc giai đoạn tăng giá mạnh, VN-Index tiếp tục có tuần giảm điểm. Kết tuần, VN-Index giảm 0,33% về mức 1.317 điểm, duy trì trên vùng giá thấp nhất ngày 11/3/2025, quanh 1.325 điểm. Thị trường có xu hướng yếu dần về cuối tuần và giảm dưới đường trung bình động SMA20.
VN30 có tuần thứ ba liên tiếp giảm điểm, về mức 1.373 điểm, duy trì trên vùng giá cao nhất tháng 10/2024, quanh 1.374 điểm. Cổ phiếu họ VIC tiếp tục nâng đỡ thị trường khi đóng góp 7 điểm tăng cho thị trường trong khi các cổ phiếu ngân hàng và FPT tiếp tục kéo chỉ số đi xuống.
Sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu lớn và các nhóm ngành tiếp tục rõ nét trong nhịp điều chỉnh. Độ rộng tăng điểm thu hẹp với 7/18 ngành tăng điểm. Ngành bất sản tăng tốt +4.8% nhờ các cổ phiếu họ VIC cùng với thanh khoản cải thiện. Truyền thông, hàng cá nhân và y tế giảm trên 2%.
Thanh khoản thị trường giảm hai tuần liên tiếp. Tâm lý ngắn hạn kết thúc giai đoạn lạc quan, chuyển sang bi quan ở nhiều nhóm mã với giai đoạn giảm giá mạnh kéo dài. Chỉ có 2 ngành giảm điểm có giá trị giao dịch tăng là Hàng dịch vụ và dịch vụ tài chính. Khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị -2.107 tỷ đồng trong tuần này.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng kỳ hạn VN30F2504 giảm 9,70 điểm (-0,71%), đóng cửa tại 1.365 điểm. Chênh lệch -8,83 điểm so với VN30. Các kỳ hạn xa hơn như VN30F2505, VN30F2506, VN30F2509 có mức chênh lệch từ -6,13 điểm đến -8,23 điểm so với VN30. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch tăng 23,35% so với tuần trước và cao hơn mức trung bình 20 phiên.
Xu hướng ngắn hạn của VN30F2504 trong đầu tuần sau dự kiến sẽ kiểm định vùng quanh 1.360 điểm. Khối lượng mở (OI) tuần này đạt 33.663, cao hơn so với tuần trước (29.870), cho thấy xu hướng gia tăng dần trở lại các vị thế nắm giữ sau tuần đáo hạn.

Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Thận trọng trước rủi ro, cân nhắc kịch bản VN-Index về 1300 điểm
Chứng khoán Phú Hưng
Nhìn chung, trạng thái nên thận trọng hơn, cân nhắc kịch bản VN-Index lùi về khu vực tâm lý 1300 điểm. Chiến lược: Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức trung bình, chủ động cơ cấu và hạ tỷ trọng với những cổ phiếu bị vi phạm.
VN-Index bước vào giai đoạn điều chỉnh: Áp lực cơ cấu danh mục và biến động thuế quan
Chứng khoán SHS
VN-Index đang kết thúc giai đoạn tăng giá mạnh liên tục kéo dài trong 8 tuần qua và liên tục chịu áp lực điều chỉnh, kiểm tra lại các vùng hỗ trợ. Xu hướng ngắn hạn đang chuyển qua giai đoạn điều chỉnh, tích lũy với vùng hỗ trợ gần nhất tại 1.315 điểm, hỗ trợ mạnh hơn tại 1.300 điểm. VN-Index có thể chịu áp lực điều chỉnh, kiểm tra lại vùng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm nếu không giữ được vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.315 điểm.
Thị trường, sau giai đoạn tăng giá, đang chịu áp lực cơ cấu danh mục khi sắp kết thúc quý 1/2025, chờ cập nhật các yếu tố cơ bản và kết quả kinh doanh. Thị trường đang kết thúc tháng 3, quý 1/2025, bước vào giai đoạn quan trọng khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, đồng thời cập nhật và đánh giá các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế trong quý 1.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chờ đợi những thông tin mới về áp đặt thuế quan trong tháng 4/2025. Trong tuần qua, chúng tôi đã công bố báo cáo chiến lược "dĩ bất biến, ứng vạn biến trước sóng gió thuế quan", kỳ vọng sẽ cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin và nhận định tổng quát về vấn đề này.
Mới đây, nhằm bảo đảm công bằng, hài hòa mức thuế suất và góp phần cải thiện cán cân thương mại với các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN, mức thuế suất áp dụng cho các nước trong tổ chức Thương mại Thế giới, đối với một số nhóm hàng như ô tô, khí hóa lỏng LNG, đùi gà đông lạnh, quả táo tươi, ethanol, và nho khô.
Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý, tập trung vào các mã có nền tảng cơ bản tốt, thuộc nhóm đầu ngành chiến lược, và có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong nền kinh tế.
VN30F1M chịu áp lực bán mạnh: Xu hướng SHORT gia tăng
Chứng khoán DNSE
Hợp đồng VN30F1M theo khung nến 5 phút tạo xu hướng SHORT xuyên suốt phiên trong kênh Bollinger Bands co hẹp, bám sát dải dưới với GAP SHORT mạnh vào cuối phiên. RSI giảm mạnh, hướng về ngưỡng quá bán trong khi MACD cắt xuống đường tín hiệu, cho thấy khả năng SHORT mạnh đầu phiên tới.
Hợp đồng VN30F1M theo khung nến 1 giờ tạo nhịp giảm mạnh, về dải dưới của Bollinger Bands. RSI giảm về sát ngưỡng quá bán trong khi MACD cho thấy áp lực giảm điểm gia tăng trở lại, báo hiệu khả năng tiếp tục giảm điểm trong phiên tới.
Kế hoạch giao dịch: Nhà đầu tư có thể tiếp tục giữ vị thế SHORT
Chứng khoán Agribank
Rủi ro rung lắc trong ngắn hạn tiếp tục gia tăng, khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (ngân hàng, chứng khoán) đang có dấu hiệu chốt lời sau giai đoạn tăng trước đó. Dự đoán VN-Index có thể tiếp tục dao động trong biên độ 1.318-1.345 điểm, hỗ trợ gần được đặt tại mốc 1.315-1.320 điểm.
Thị trường tiếp tục giảm điểm
Chứng khoán MBS
xu hướng trong ngắn hạn vẫn tiếp tục giảm điểm. Chiến lược LONG chỉ nên sử dụng ở những mốc hỗ trợ mạnh. Chiến lược giao dịch LONG tại vùng 1.355 – 1.360, cắt lỗ khi giảm qua 1.352 điểm. Chiến lược giao dịch SHORT tại vùng cản 1.365– 1.370 điểm, cắt lỗ khi vượt qua 1.373 điểm.
Chiến lược giao dịch ngắn hạn, SHORT tại các nhịp tăng của phái sinh với kỳ vọng phái sinh về vùng 1.340 điểm.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.