Thị trường chứng khoán hồi phục trong nghi ngờ?

Trên thị trường chứng khoán có câu 'tăng trong nghi ngờ' (Climbing the wall of worry) để thể hiện sự ngập ngừng ở chiều đi lên sau khi tạm thời xác lập một đáy ngắn hạn trong xu hướng giảm mạnh. Có nhiều tín hiệu để nhà đầu tư 'nghi ngờ', trong đó nổi bật là thanh khoản sụt giảm thể hiện dòng tiền do dự trước các diễn biến hồi phục chưa chắc chắn.

Thị trường đã thật sự tạo đáy?

Câu hỏi lớn nhất lúc này dĩ nhiên là thị trường đã thật sự kết thúc xu hướng giảm sau 6 tuần lao dốc hay chưa? Đây sẽ là câu trả lời đáng giá “triệu đô” vì nếu biết chắc chắn, bất kỳ ai cũng có thể kiếm lời khủng. Tuy nhiên chính vì sự thiếu chắc chắn trong bất kỳ câu trả lời nào, nên thị trường mới rơi vào trạng thái nghi ngờ.

Đó là một hệ quả hiển nhiên của việc không thể khẳng định chắc chắn điều gì trên thị trường chứng khoán. Bằng chứng là thời điểm chạm đáy đầu tiên hồi cuối tháng 4 vừa qua, sự chắc chắn đã phải trả giá: VN-Index sau khi sụt giảm tối đa gần 250 điểm (xấp xỉ 16%), đã phục hồi tới 4 phiên để tồi giảm tiếp khoảng 215 điểm nữa (15,1%) rồi mới dẫn đến phiên đảo chiều ngày 17/5 vừa qua, đưa thị trường vào trạng thái nghi ngờ tạo đáy thời điểm hiện tại. Tuy chỉ số VN-Index chỉ giảm thêm hơn 15% nữa, nhưng cổ phiếu có thể rớt giá tiếp 20-50% tùy từng mã.

Sự khác biệt của hai lần “chạm đáy” nói trên là ở các chỉ báo kỹ thuật cũng như mức độ giảm giá ở đa số cổ phiếu blue-chips. Các tín hiệu này không nhất thiết chính xác tuyệt đối, nhưng do có rất nhiều nhà đầu tư cùng quan sát, nên tín hiệu có khả năng tạo sự đồng thuận. Lấy ví dụ trên phương diện phân tích kỹ thuật phổ biến, tình trạng “quá bán” (oversold) của VN-Index phản ánh trên chỉ báo như RSI (chỉ báo sức mạnh tương đối) với khung thời gian tuần (weekly) là tương đương với giai đoạn chỉ số chạm đáy covid tuần cuối tháng 3/2020. Trong khi đó lần tạo đáy hôm 26/4 vừa qua thì chưa. Việc VN-Index tạo đáy quanh ngưỡng 1.150 điểm cũng “đáng tin cậy” hơn khi tương đương với tỷ lệ 38,2% so với chiều tăng từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022.

Với cổ phiếu, xét trong rổ VN30 (những mã có khả năng giữ nhịp chỉ số VN-Index) thì gần như toàn bộ đã điều chỉnh về mức tương đương 50%-61,8% chiều tăng trước đó. Đây là các ngưỡng tỷ lệ được tất cả các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật chú ý.

Chỉ số VN-Index tuần qua có nhiều tín hiệu đồng thuận về kỹ thuật.

Nói tóm lại, việc thị trường quay đầu phục hồi trong tuần qua ngoài yếu tố định giá cơ bản (ví dụ P/E thị trường rẻ) thì cũng có những tín hiệu kỹ thuật tạo được sự đồng thuận trong quan điểm của số đông nhà đầu tư. Sự đồng thuận là rất quan trọng, vì cung cầu thị trường đều phụ thuộc vào quan điểm đánh giá của nhà đầu tư. Khi nhiều người cùng nghĩa thị trường giảm đủ khả năng chạm đáy thì nhu cầu cắt lỗ, bán tháo giảm đi, đồng thời các nhà đầu tư cầm tiền cân nhắc có mua vào hay không. Cần nhấn mạnh rằng bất kỳ đánh giá nào dựa trên yếu tố kỹ thuật hay tâm lý cũng chỉ mang tính xác suất, không bao giờ có khẳng định tuyệt đối. Do đó thay vì có câu trả lời cụ thể “thị trường đã thật sự tạo đáy”, nên là “thị trường đang có xác suất tạo đáy cao hơn tất cả những lần trước”. Trong đầu tư, một xác suất cao hơn cũng đã là một lợi thế để chiến thắng.

Nghi ngờ là có cơ sở

Tuần qua VN-Index tăng trở lại khoảng 58 điểm tương đương 4,9%, kết thúc 6 tuần giảm liên tục. Tuy nhiên thanh khoản lại tụt xuống mức thấp kỷ lục kể từ đầu 2020. Kể cả những phiên tăng điểm, giao dịch cũng rất nhỏ.

Giá tăng với thanh khoản thấp thể hiện sự nghi ngờ. Đó là lý thuyết căn bản mà các nhà đầu tư đều nắm được. Thanh khoản giảm là do cung cầu không gặp nhau và từ phía người mua, đó là sự ngập ngừng chấp nhận giá. Như trên đã nói, sự đồng thuận về khả năng tạo đáy là có, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các nhà đầu tư đều dốc túi đổ xô vào mua cổ phiếu.

Yếu tố đầu tiên gây cản trở và khiến thanh khoản thấp, là mức độ thua lỗ quá lớn trong 6 tuần lao dốc. Nhà đầu tư hoặc là đang mắc kẹt quá nhiều cổ phiếu trong tài khoản, hoặc phần tiền rút ra được đã co nhỏ lại (do thua lỗ) và mọi quyết định mua vào đều được cân nhắc kỹ.

Yếu tố thứ hai là với chiều thanh khoản ngày càng thấp trong 6 tuần giảm vừa qua, có thể khẳng định gần như chắc chắn là nhiều nhà đầu tư đang “gồng lỗ” và chỉ còn hi vọng giá phục hồi để bớt lỗ, không thể tính đến chuyện mua thêm cổ phiếu.

Yếu tố thứ ba là dòng tiền mua vào vẫn đang thăm dò, vì những sai lầm trong các lần bắt đáy hụt là bài học cay đắng không được phép lặp lại. Dù một xác suất tạo đáy cao hơn, nhưng không có nghĩa là 100%, thị trường vẫn có thể bị một yếu tố bất lợi đột ngột nào đó chi phối, ví dụ hiện tượng bán tháo trên thị trường quốc tế. Mua dần các khối lượng nhỏ mang tính thăm dò là đặc điểm của quá trình dò đáy, dẫn đến thanh khoản thấp.

Sự nghi ngờ và các quan điểm trái ngược luôn tồn tại trên thị trường, nhờ đó mà mới có người mua người bán để tạo thanh khoản. Nghi ngờ và thận trọng là một điều cần thiết trong đầu tư, vì không bao giờ có các khoản đầu tư phi rủi ro. Dòng tiền dè dặt nên cũng lựa chọn các cơ hội có xác suất an toàn cao, chẳng hạn những cổ phiếu của doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng tốt nhưng giá giảm 30%-50% thời gian qua, những cổ phiếu có thanh khoản đủ lớn để không bị mắc kẹt nếu phải sửa sai... Nói chung sau mỗi giai đoạn sụt giảm sốc thì thị trường luôn tạo cơ hội, nhưng sẽ không giống như chu kỳ giá lên điên cuồng, cơ hội phải được chắt lọc và biết tiết chế lòng tham.

Trọng Nghĩa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-hoi-phuc-trong-nghi-ngo-105556.html