Thị trường chứng khoán: Khó tránh khỏi tác động 'ngoại biên', yếu tố trong nước vẫn tích cực

Thị trường chứng khoán trong nước giảm điểm mạnh chủ yếu do tác động chung từ thị trường chứng khoán quốc tế, đặc biệt là Mỹ, do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Hiện tại, thị trường vẫn chịu tác động mạnh từ quốc tế, tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô trong nước và nội tại thị trường vẫn đang hỗ trợ tích cực.

Chứng khoán trong nước chịu tác động mạnh từ thị trường quốc tế

Dù đã hồi nhẹ trở lại vào phiên 14/6, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua phiên điều chỉnh giảm mạnh vào phiên 13/6. Theo đó, trong phiên đầu tuần, chỉ số VN-Index đã giảm -57,04 điểm (-4,44%), còn 1.227,04 điểm; HNX-Index giảm -18,08 điểm (-5,9%) còn 288,37 điểm; UPCoM-Index giảm -3,19 điểm (-3,4%), còn 90,53 điểm.

Theo các chuyên gia, TTCK trong nước giảm điểm mạnh chủ yếu là do tác động của thị trường quốc tế, đặc biệt là TTCK Mỹ. Trên TTCK Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm -2,73%; chỉ số Nasdaq cũng giảm -3,52%; S&P 500 giảm -2,91 điểm;… trước những thông tin tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ. Không chỉ ở Mỹ, các TTCK châu Á và khu vực cũng giảm mạnh trong phiên hôm nay: Hang Seng giảm -3,55%; KOSPI giảm -3,52%; Nikkei 225 giảm -3,01%;…

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ kinh tế vĩ mô trong nước. Ảnh: Duy Dũng

Ngoài tác động chính từ thị trường quốc tế, một số chuyên gia còn cho hay, TTCK Việt Nam phiên đầu tuần còn chịu tác động tâm lý từ quán tính của phiên giảm cuối tuần trước, kết hợp với việc dự báo thông tin giá xăng tăng lên mức kỷ lục mới trong chiều 13/6.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, thông tin lạm phát của Mỹ chính thức được công bố cuối tuần vừa qua đã có tác động mạnh tới diễn biến thị trường tài chính toàn cầu.

Cụ thể, theo công bố của Cục Thống kê lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tại Mỹ tăng nhanh nhất kể từ năm 1981, đạt 8,6%, cao hơn dự báo tăng 8,3% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 6%, nhỉnh hơn so với ước tính 5,9% của các chuyên gia kinh tế. Lạm phát lên đỉnh mới khiến thị trường lo ngại FED sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ trong các cuộc họp tới đây, kéo theo tâm lý ngại rủi ro, bán tháo các tài sản có rủi ro cao như cổ phiếu, tiền số… “TTCK Việt Nam cũng không tránh khỏi xu thế chung của thị trường thế giới và chứng kiến một phiên giảm điểm mạnh trong phiên thứ 2 đầu tuần” – ông Đinh Quang Hinh nói.

Yếu tố trong nước vẫn hỗ trợ tích cực thị trường chứng khoán

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), TTCK Việt Nam khó tránh khỏi những tác động tiêu cực từ diễn biến kinh tế và chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn đang được hỗ trợ tích cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước, cũng như yếu tố nội tại thị trường.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi tích cực sau đại dịch, năm 2022 GDP vẫn được dự báo tăng trưởng từ 6 – 7%. Dù áp lực từ lạm phát là khá lớn, song Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để kiểm soát. Chính sách tiền tệ về cơ bản vẫn được điều hành theo hướng hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng và doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh.

Trên TTCK, sức khỏe doanh nghiệp trên thị trường đã và đang cho thấy dấu hiệu phục hồi tốt. Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm nay vẫn được dự báo tăng trưởng trên 20%. Đặc biệt hơn, sau đợt giảm mạnh vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đang cho thấy quyết tâm rất lớn, tạo mọi điều kiện để TTCK, trái phiếu phát triển ổn định, lành mạnh, công khai và bền vững.

Dòng tiền vẫn chờ cơ hội giải ngân khi giá về mức hấp dẫn

“Mặc dù thị trường giảm điểm mạnh nhưng thanh khoản cũng tăng lên, điều này cho thấy nhiều cổ phiếu đã về vùng giá đủ hấp dẫn để kích thích dòng tiền bắt đáy của một bộ phận nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khác với đợt giảm điểm mạnh lần trước, lần này dòng tiền có xu hướng phân hóa rõ nét hơn, một số nhóm cổ phiếu vẫn ngược dòng tăng giá bất chấp thị trường chung giảm điểm mạnh, như nhóm cổ phiếu ngành điện, năng lượng, khí đốt. Do đó, có thể thấy rằng phần lớn dòng tiền không rút ra khỏi thị trường mà đang chờ đợi cơ hội để giải ngân khi có những câu chuyện đủ hấp dẫn, thông tin hỗ trợ xuất hiện, mặt bằng giá cổ phiếu về vùng hấp dẫn…” - Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT.

Ông Đinh Quang Hinh cũng cho rằng, nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi tích cực sau khi kiểm soát thành công làn sóng Covid-19, do biến chủng Omicron hồi đầu năm. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp (IIP), quản trị mua hàng (PMI), tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu du lịch đều đạt những con số khả quan trong tháng 5 vừa qua. Dựa trên số liệu của tháng 5 có thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ được cải thiện trong các quý tới.

Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì ổn định, lạm phát bình quân 5 tháng là 2,25%, duy trì thặng dư thương mại trong 5 tháng đầu năm. Tỷ giá và lãi suất có tăng nhẹ nhưng chưa tác động nhiều tới doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cũng đang đẩy mạnh triển khai chương trình kích thích phục hồi kinh tế như gói cấp bù lãi suất 2%, an sinh xã hội, đẩy mạnh đầu tư công. Đây là những yếu tố được kỳ vọng sẽ nâng đỡ nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Về phía doanh nghiệp, “chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE ở mức 23% trong năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao và là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường trong thời gian tới.

Thái duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-kho-tranh-khoi-tac-dong-ngoai-bien-yeu-to-trong-nuoc-van-tich-cuc-107038.html