Thị trường chứng khoán: Không có hiện tượng bong bóng
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua giai đoạn tăng trưởng vượt kỳ vọng, nhưng không có hiện tượng bong bóng. Dự đoán năm 2021 VN-Index có thể đạt mục tiêu cao nhất 1.355 - 1.425 điểm, tăng khoảng 30% so với năm 2020.
Dịch bệnh vẫn là rủi ro lớn
Trong báo cáo chiến lược kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán của Công ty chứng khoán Mirae Asset (Mirae Asset) nhận định, khả năng phục hồi kinh tế sẽ rõ ràng và mạnh hơn nếu Việt Nam không để xảy ra bất kì một đợt bùng phát dịch bệnh mới cùng với quá trình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi toàn cầu. Điều này đảm bảo các hoạt động kinh tế chủ lực như xuất nhập khẩu, dịch vụ sẽ phục hồi nhanh trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong khi Việt Nam cũng kiểm soát dịch tốt hơn so với nhiều nước.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2021 nhờ hưởng lợi từ hoạt động đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau khi các đối tác chính của Việt Nam dần kiểm soát được dịch Covid-19 và tái khởi động quá trình xúc tiến đầu tư. Tiêu dùng trong nước sẽ lấy lại đà tăng trưởng do không còn chịu tác động của các đợt giãn cách xã hội và niềm tin tiêu dùng cải thiện.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do FTA tạo đòn bẩy quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, cũng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng xuất khẩu. Qua đó, Việt Nam có thể duy trì thặng dư thương mại ở mức cao.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất cho kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới vẫn là dịch Covid-19. Đối với thị trường chứng khoán, Mirae Asset dự doán chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu (P/E) mục tiêu 2021 di chuyển trong vùng 17 lần - 20 lần. Vùng định giá P/E vẫn nằm trong vùng vận động trong 3 năm gần đây.
Mirae Asset kỳ vọng năm 2021 với VN-Index mục tiêu cao nhất 1.355 - 1.425 điểm, tăng khoảng 30% so với năm 2020. Giả định trong kịch bản này là tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp ước đạt 19% và P/E mục tiêu cao nhất 19-20 lần trên kỳ vọng nền kinh tế duy trì đà phục hồi tốt.
Mặt khác, VN-Index có thể không đạt như mức kỳ vọng nói trên nếu tình hình dịch bệnh tái phát ở Việt Nam, làm cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
P/E vẫn ở mức thấp so với các nước
Ngoài ra, Mirae Asset đánh giá rủi ro bong bóng tài sản là không xảy ra trong năm 2021 dù thị trường đã và đang trải qua giai đoạn tăng trưởng vượt kỳ vọng.
Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, thị trường chứng khoán không có hiện tượng bong bóng.
“Bong bóng tài sản xuất hiện khi giá thị trường của tài sản vượt xa giá trị thực của tài sản đó, mức chênh lệch này càng ngày càng lớn và tạo nên một bong bóng tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam thì lại rất khác. Nếu dùng hệ số P/E để định giá thị trường thì mức P/E hiện tại của Việt Nam là 19 lần, tuy có cao hơn so với đầu năm 2020, quanh 15 lần. Nhưng mức này lại thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2006-2007 (trên 30 lần), khi thị trường xuất hiện bong bóng chứng khoán”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu dẫn chứng, nếu nhìn ra các nước trong khu vực thì mức 19 lần của Việt Nam cũng khá thấp khi P/E của Singapore là 24 lần, Thái Lan là 26 lần, Philippines là 28 lần, Indonesia là 29 lần và Malaysia là 22 lần. Ngay cả những thị trường phát triển như Mỹ cũng có mức P/E là 30 lần. Như vậy, mức P/E 19 lần của Việt Nam là tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Với mức định giá này khó có thể hình thành nên một bong bóng tài sản./.