Thị trường chứng khoán kỳ vọng gì khi hệ thống mới của HOSE sắp vận hành?

Theo nhóm phân tích của VCBS, nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới của HOSE được đưa vào vận hành ổn định trong năm 2021 thì Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá thường niên năm 2022.

Theo thông tin từ FPT, hệ thống giao dịch mới của sàn Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) sẽ được vận hành từ 5/7, tức thứ Hai tuần tới.

Cụ thể, ngày 5/7 Tập đoàn FPT sẽ cùng với HOSE dự kiến đưa vào vận hành hệ hống mới của HOSE. FPT cho phép HOSE tiếp nhận giải pháp xử lý sự cố từ FPT và đưa vào vận hành theo đề xuất của HOSE. Theo FPT, hiện tại các vấn đề kỹ thuật trên hệ thống mới đã được xử lý xong, hệ thống vẫn đang chạy mô phỏng và song song với kiểm thử, để 73 công ty chứng khoán đặt lệnh lên hệ thống mới này.

FPT cũng đã trình Bộ Tài chính văn bản về việc đưa hệ thống mới của HOSE chính thức đi vào vận hành. Ảnh: D.L

Trước đó, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE đã diễn ra từ cuối năm 2020 khi lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường tăng đột biến, kéo theo thanh khoản tăng ngoài dự báo và thường xuyên xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh.

Vì vậy, các nhà đầu tư kỳ vọng tình trạng nghẽn lệnh sắp chấm dứt khi hệ thống mới của HOSE được đưa vào vận hành, kéo theo sự bùng nổ về thanh khoản, thị trường sôi động…

Trên thế giới, theo kết quả phân loại thị trường chứng khoán toàn cầu kỳ tháng 6/2021 vừa được Morgan Stanley Capital International (MSCI) công bố, thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường cận biên (frontier markets) và chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging markets).

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), kết quả đánh giá xếp hạng thị trường đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong đợt phân loại thị trường kỳ này của MSCI là không bất ngờ.

Đặc biệt là trong bối cảnh trước đó MSCI tiếp tục không thay đổi các đánh giá đã đưa ra về mức độ tiếp cận của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nêu trong báo cáo "Đánh giá khả năng tiếp cận thị trường trên phạm vi toàn cầu" (Global market accessiblity review) vào ngày 10/6 vừa qua.

Đáng chú ý, một trong những vẫn đề mà MSCI lưu ý trong kỳ đánh giá nâng hạng thị trường lần này là việc hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) có thể sẽ gặp trở ngại và không thể duy trì trạng thái giao dịch liên tục khi khối lượng giao dịch tăng cao. Theo đó, MSCI sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ vấn đề này trong những kỳ đánh giá nâng hạng thị trường tiếp theo.

Ngoài ra, MSCI cũng thông báo tham vấn ý kiến của các bên liên quan đến chỉ số MSCI Pakistan Index về việc hạ xếp hạng thị trường chứng khoán Pakistan từ thị trường mới nổi về thị trường cận biên và kết quả sẽ được công bố trong kỳ đánh giá tháng 11/2021.

Theo dự phóng của MSCI thì nếu điều này xảy ra, sẽ có 4 cổ phiếu Pakistan được thêm vào rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index với tổng tỷ trọng dự kiến là 2,3% và tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ dự kiến sẽ giảm nhẹ từ 31% xuống 30,3%

Đồng thời sẽ có 13 cổ phiếu Pakistan được thêm vào rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index với tổng tỷ trọng dự kiến là 5,8% và tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số này dự kiến sẽ tăng nhẹ từ 31% lên 31,4%

Theo nhóm phân tích của VCBS, nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới của HOSE được đưa vào vận hành ổn định trong năm 2021 thì Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá thường niên năm 2022.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục cần thay đổi thêm những yếu tố khác để đáp ứng đủ các tiêu chí nâng hạng của MSCI. Do đó, công ty chứng khoán nhận định sớm nhất là sang năm 2023 Việt Nam mới có thể được MSCI đánh giá nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Dương Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-chung-khoan-ky-vong-gi-khi-he-thong-moi-cua-hose-sap-van-hanh-post141693.html