Thị trường chứng khoán liệu tiềm ẩn nguy cơ 'sụp đổ' giữa đà hưng phấn?

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán như hiện nay không dựa trên nền tảng kinh tế tốt, từ đó sẽ dễ 'tăng càng mạnh, rớt càng đau'.

Thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn rực rỡ khi chứng khiến nhiều kỷ lục vừa được xác lập. VN-Index vượt mốc 1.400 điểm và liên tiếp tạo mức đỉnh mới. Kết phiên sáng 9/11, chỉ số tăng nhẹ 1,47 điểm, neo ở mốc kỷ lục mới 1.469,04 điểm - cao nhất trong vòng 21 năm kể từ ngày thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.

Kết phiên sáng 9/11, chỉ số tăng nhẹ 1,47 điểm, neo ở mốc kỷ lục mới 1.469,04 điểm - Nguồn: TradingView

Bài liên quan

Thị trường chứng khoán hôm nay 9/11: Hướng lên vùng đích kỳ vọng 1.485 - 1.495 điểm

Thị trường chứng khoán hôm nay (8/11): Ổn định trong vùng tích lũy 1.420-1.460 điểm.

Có hơn 130.000 nhà đầu tư mới tham gia chứng khoán

Thị trường chứng khoán hôm nay 5/11: Cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục

Thị trường càng thêm hưng phấn khi đón nhận số tài khoản và nguồn vốn mới cuồn cuộn đổ vào. Hôm 3/11, thanh khoản toàn thị trường cao mức kỷ lục với gần 52.000 tỷ đồng, tương đương 2,28 tỷ USD.

Cùng với đó, theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 10, thị trường có hơn 3,86 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Con số này tăng hơn 130.150 tài khoản so với tháng trước, cao thứ hai trong lịch sử.

Càng tăng mạnh, càng... rớt đau?

Chỉ ra nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán trên đà tăng mạnh, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh (Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng) cho biết, thị trường chứng khoán thế giới đang có giai đoạn lạc quan khi nền kinh tế phần nào cải thiện. Đặc biệt, chỉ số chứng khoán của Mỹ liên tục lập đỉnh, phá bỏ các kỷ lục lịch sử.

"Còn dòng tiền trong nước gần như bất tận. Dù nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng miệt mài nhưng nhà đầu tư nội 'cân hết'. Bên cạnh đó, kinh tế nhiều địa phương trong nước mở cửa trở lại giúp sự kỳ vọng gia tăng", ông Khánh phân tích.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, trong 1, 2 tháng tới nếu các công ty chứng khoán, truyền thông vẫn tạo được cảm hứng cho nhà đầu tư mới, khả năng VN-Index sẽ vuợt qua 1.700 điểm, tầm nhìn đến 2.000 điểm.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế

Song, ông đánh giá thị trường đang tăng không bền vững: "Càng tăng, đợt sụp đổ sẽ càng nặng và người 'thương đau' là số đông nhà đầu tư mới, khi họ đang khá thuận lợi trong việc bắt đáy. Hiện, nhà đầu tư F0 thường chọn các cổ phiếu giảm 10 - 20% để bắt đáy, tuy nhiên sẽ có lúc các cổ phiếu giảm đến 70%, họ sẽ bắt nhầm 'dao lam'".

Sự kém bền vững của thị trường được ông Hiển lý giải do "bóng ma" Covid-19 đang lởn vởn, kinh tế TP. HCM và khu vực chưa hoạt động bình thường trở lại.

"Các doanh nghiệp mong kinh doanh hòa vốn đủ trả lãi trong vòng 6 tháng tới là mừng, vậy làm sao có thể tăng bền vững. Kể cả 2 nhóm đang 'làm mưa làm gió' trên thị trường là ngân hàng và bất động sản cũng đang đứng trước bài toán bóng ma nợ xấu sẽ tái xuất và thị trường sẽ vào mùa đông. Những kiểu tăng mạnh không dựa trên nền tảng kinh tế tốt như hiện nay sẽ không thể bền vững", ông Hiển chỉ ra.

Quan sát các nhóm tiềm năng thay vì FOMO

Trong khi đó, đánh giá đỉnh mới 1.550 điểm có thể chinh phục, chuyên gia Phan Dũng Khách cho rằng mốc 2.000 điểm sẽ không diễn ra trong năm nay. Bởi, để lên đến những đỉnh cao hơn, thị trường cần dòng tiền mạnh mẽ hơn nữa, "tốt nhất nên tính từng giai đoạn hơn là một mức xa sẽ rất dễ thất vọng".

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh (Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng)

Trong ngắn hạn, theo ông Khánh thị trường sẽ xuất hiện những pha điều chỉnh đan xe, để xu hướng dài hơn trở nên bền vững. Với sự hưng phấn hiện nay, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng nếu thị trường "sụp", chỉ khiến dòng tiền bắt đáy mạnh hơn.

Trước bối cạnh hiện tại, chuyên gia Phan Dũng Khánh khuyên các nhà đầu tư nên quan sát kỹ dòng tiền từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Việc quan sát tốt sẽ giúp nhà đầu tư biết được những nhóm tiềm năng thay vì FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) theo những nhóm đã tăng quá nhiều.

Từ đó, nhà đầu tư có thể tham gia vào các cổ phiếu tiềm năng chưa tăng, chuẩn bị tăng hoặc mới tăng, sẽ tối ưu được lợi nhuận. Đồng thời, rút khỏi những nhóm không có dòng tiền hoặc dòng tiền chảy ra (dòng tiền âm).

"Bởi, có những trường hợp thị trường đang tăng mà danh mục của nhiều nhà đầu tư vẫn chưa 'về bờ' do sự phân hóa của thị trường ngày càng mạnh hơn. Ví dụ như nhóm bất động sản, dầu khí và gần đây là nhóm ngân hàng sau khi lập đỉnh nhiều mã đã suy yếu và vẫn chưa thể quay trở lại", ông Khánh dẫn chứng.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-chung-khoan-lieu-tiem-an-nguy-co-sup-do-giua-da-hung-phan-post165904.html