Thị trường chứng khoán nhiều nước lao dốc
Theo Reuters và TTXVN, ngày 12-3, các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt lao dốc do lo ngại về tốc độ lây lan của dịch Covid-19 trên khắp thế giới tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.
Theo Reuters và TTXVN, ngày 12-3, các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt lao dốc do lo ngại về tốc độ lây lan của dịch Covid-19 trên khắp thế giới tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.
Trong phiên giao dịch sáng 12-3, trên thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 4,4%. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hồng Công hạ 3,5%, còn chỉ số Shanghai Composite để mất 1,5%. Tại Australia, chứng khoán Sydney để mất 7,4%, ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chứng khoán Seoul (Hàn Quốc), Singapore và Jakarta (Indonesia) đều hạ hơn 3%, chứng khoán Mumbai (Ấn Ðộ) giảm hơn 6% và chứng khoán Bangkok (Thái Lan) sụt giảm 8%.
* Chứng khoán Manila để mất gần 10% giá trị sau thông tin Tổng thống Philippines sẽ trải qua một cuộc kiểm tra xem có bị nhiễm Covid-19 hay không, do ông cùng Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nằm trong số các quan chức từng tiếp xúc với người bệnh.
* Thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) tiếp tục ngập sắc đỏ sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasda Composite giảm khoảng 19% từ mức đóng cửa cao kỷ lục ngày 19-2. Chỉ số Dow Jones mất 5,86%, phiên giảm điểm lớn trong lịch sử của Dow Jones.
* Tại Brazil, thị trường chứng khoán Sao Paulo đã phải tạm ngừng giao dịch lần thứ hai trong tuần sau khi các chỉ số giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại về những tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. Chỉ số Ibovespa giảm 7,64% sau khi giảm 10,1% trước đó và điều này đã kích hoạt bộ ngắt tự động khiến giao dịch gián đoạn trong 30 phút.
* Trên thị trường tiền tệ, đồng yên, vốn được coi là tài sản an toàn trong thời kỳ khủng hoảng, đã tăng hơn 1% so với USD. Theo đó, 1 USD đổi 103,91 yên so với mức 104,54 yên/USD trước đó.
* Tại phiên giao dịch chiều 12-3, giá vàng châu Á tăng nhẹ. Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà giao dịch đang tiến hành bán vàng để bổ sung ký quỹ, qua đó tạo ra "cơn gió ngược" đối với kim loại quý này.
* Giá dầu mỏ thế giới cùng ngày đã giảm khoảng 6%. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm 6,2%, xuống 31 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giảm 5,8%, xuống dưới 34 USD/thùng.
* Iraq, Kuwait và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã tiếp nối A-rập Xê-út tuyên bố giảm giá bán dầu. I-rắc sẵn sàng giảm giá bán dầu thô trong tháng 4 ở mức 5 USD/thùng đối với các khách hàng châu Á, trong khi Kuwait tuyên bố giảm giá 6 USD/thùng.
* Ngày 12-3, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm nay, do tác động của dịch Covid-19. Trong báo cáo hằng tháng mới nhất, OPEC đã dự báo nhu cầu dầu trung bình hằng ngày của thế giới là 99,73 triệu thùng, giảm 0,92 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.
* Chuyên gia kinh tế J.Colombo, người từng dự báo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cho rằng thế giới đang đứng trên bờ vực một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Theo đó, dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này, song có thể trở thành "tác nhân" cho một cuộc khủng hoảng mới. Trước đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay do dịch Covid-19.