Thị trường chứng khoán phái sinh: Phát triển và tăng trưởng ấn tượng

Sau 3 năm vận hành (10/8/2017 - 10/8/2020), thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) Việt Nam đã phát triển và có mức tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro, góp phần ổn định thị trường chứng khoán cơ sở, hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đến nay, trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam cơ bản mới có 02 sản phẩm được đưa vào giao dịch xây dựng dựa trên các tài sản cơ sở gồm “hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30” và “hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm”, trong đó, “hợp đồng tương lai TPCP” dành riêng cho các nhà đầu tư tổ chức.

Tính đến hết tháng 7/2020, thị trường chứng khoán phái sinh đã có trên 67.900.000 “hợp đồng tương lai” được giao dịch, đặc biệt sôi động vào những thời điểm thị trường chứng khoán cơ sở có biến động mạnh. Nếu như năm 2019, khớp lệnh giao dịch (KLGD) bình quân trên TTCKPS đạt 88.740 hợp đồng/phiên, tăng 12,6% so với năm trước đó, thì 7 tháng đầu năm 2020, KLGD bình quân đã tăng 95% so với năm 2019, đạt 173.009 hợp đồng/phiên. Mức KLGD kỷ lục năm 2019 là 191.707 hợp đồng liên tục bị phá vỡ, kỷ lục mới nhất được thiết lập là mốc 356.033 hợp đồng trong phiên giao dịch ngày 29/7/2020.

Tăng trưởng doanh số giao dịch của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam là con số mà nhiều thị trường trong khu vực phải mất nhiều năm mới đạt được (Đài Loan phải mất 13 năm, Thái Lan hơn 7 năm). Cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng hợp đồng giao dịch, khối lượng hợp đồng mở (open interest - OI) trên thị trường phái sinh Việt Nam cũng đã tăng gấp 4,7 lần, từ 8.077 hợp đồng điểm cuối năm 2017 lên 38.001 hợp đồng ngày 31/7/2020. Trong các giai đoạn thị trường cổ phiếu trong nước và quốc tế phải hứng chịu những đợt giảm điểm mạnh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19 tác động (quý I/2020), hay khi giá dầu thô thế giới giảm kỷ lục (tháng 4/2020), OI toàn thị trường phái sinh Việt Nam vẫn có sự gia tăng mạnh so với các thời điểm trước đó.

Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam là một xu thế tất yếu, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường chứng khoán cơ sở có biến động mạnh, tạo công cụ phòng ngừa rủi ro đối với danh mục chứng khoán cơ sở và là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng vốn ở lại thị trường những khi thị trường chứng khoán cơ sở sụt giảm mạnh.

Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, khi thị trường chứng khoán cơ sở nhiều biến động, thị trường phái sinh vẫn tăng trưởng, giao dịch “hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30” vẫn tăng gần 30% và OI tăng 12% so với trước đó. Mới đây nhất, sau đợt sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán cơ sở do tác động của dịch Covid-19 lần 2 cuối tháng 7, đầu tháng 8/2020, số lượng OI toàn thị trường phái sinh đã đạt 38.817 hợp đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Đối với sản phẩm “hợp đồng tương lai TPCP” trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư tổ chức đã có thêm một sự lựa chọn để đầu tư và phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, đặc thù “hợp đồng tương lai TPCP” dành riêng cho nhà đầu tư tổ chức, nên giao dịch sản phẩm này trên TTCKPS vẫn chưa thật sự sôi động. Sau 1 năm ra mắt, đến nay mới có 296 “hợp đồng tương lai TPCP” được giao dịch.

Số lượng tài khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh vẫn liên tục tăng hàng tháng. Tính đến cuối tháng 7/2020, đã có 132.274 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng gấp 1,5 lần so với cuối năm 2019. Hệ thống thành viên giao dịch và bù trừ của TTCKPS đến nay đã có 19 công ty chứng khoán, tăng 5 thành viên so với năm 2019. Việc gia tăng các thành viên cũng được xem là một yếu tố tích cực giúp gia tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy việc hoàn thiện chất lượng dịch vụ cung cấp trên thị trường này.

Đại diện HNX, cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng qui mô TTCKPS đủ lớn để thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước. Trước mắt, sẽ nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ. Bên cạnh các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số, HNX cũng đã có kế hoạch nghiên cứu phát triển các sản phẩm “hợp đồng tương lai” dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ (SSF) và hợp đồng quyền chọn trên cổ phiếu đơn lẻ (SSO).

Hiện nay, HNX đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý và đơn vị tổ chức thị trường phái sinh nhằm xây dựng khung pháp lý chuẩn bị cho ra mắt các sản phẩm mới, có thể áp dụng từ sau năm 2020. Ngoài ra, HNX cũng không ngừng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức trên TTCKPS. Tiếp tục phối hợp các cơ quan quản tăng cường giám sát trên TTCKPS cũng như giám sát liên thị trường, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả, an toàn.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-phat-trien-va-tang-truong-an-tuong-142228.html