Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao trước kỳ nghỉ Tết?

Liên tục là những phiên 'xanh tích cực' từ đầu năm 2024 đến nay, VN-Index đang đứng trước áp lực điều chỉnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài vì thị trường đang phụ thuộc chủ yếu bởi sức tăng 'nóng' của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

VN-Index đã tăng tích cực trong 3 tuần đầu năm (đến 19/1), bứt phá vượt lên trên kháng cự 1.180 điểm – mốc điểm mà cả thị trường mong chờ, dù trải qua không ít thử thách bởi sự nghi ngờ vẫn còn hiện hữu kết hợp với những biến động tiêu cực từ thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Đà tăng đối diện chướng ngại vật

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản liên tục hạ nhiệt, nhất là trong các phiên của tuần thứ ba. Tính chung cả tuần giao dịch (15-19/1), thanh khoản thị trường giảm 28,4% so với tuần trước, đạt 13.025 tỷ đồng/phiên.

VN-Index đang phụ thuộc vào sức "nóng" của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

VN-Index đang phụ thuộc vào sức "nóng" của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Theo giới phân tích, dưới góc nhìn kỹ thuật, đồ thị khung ngày và tuần đều ở trạng thái hồi phục mạnh và tạo đỉnh mới, cho thấy đà tăng rất khỏe. Trong đó, các tín hiệu kỹ thuật đều đang ủng hộ cho đà tăng, khi MACD (chỉ số trung bình động hội tụ phân kỳ) duy trì trên đường Signal (đường trung bình động của chỉ báo) và trong vùng giá trị dương. Kèm với đó, RSI (chỉ báo đo lường mức độ dao động của giá) đi vào vùng tăng mạnh trên 70, động lực giá thể hiện được sức mạnh để hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index.

Dù vậy, mức độ bền vững của đà tăng cần được quan sát kỹ lưỡng khi khối lượng giao dịch suy giảm, không tăng kèm động lực tăng giá. Histogram (biểu đồ tần suất) tuy nằm trong vùng dương nhưng đang bị thu hẹp dần, đang ở dưới ngưỡng bình quân 20 phiên, cho thấy dòng tiền không thực sự lan tỏa và mở rộng trong nhịp tăng này.

Hơn nữa, các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ gần như vẫn “ì” trước diễn biến tăng của chỉ số chung, mặc cho nỗ lực kéo mạnh nhưng đơn độc từ nhóm ngân hàng. Việc thanh khoản không tăng khiến cho đà đi lên của VN-Index kém bền, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tăng quá “nóng” dễ quay đầu gây áp lực ngược lại cho toàn thị trường.

Theo đó, nhịp bứt phá của thị trường cần có thêm sự xác nhận thuyết phục hơn trong 1 - 2 tuần tiếp theo và các tín hiệu kỹ thuật phải được theo dõi sát sao để có thể phản ứng nhanh. Sự quan sát còn được dành cho mức độ lan tỏa của thị trường. Kịch bản tăng của thị trường đang phụ thuộc lớn vào vai trò dẫn dắt của nhóm ngân hàng, nên tín hiệu điều chỉnh của nhóm này sẽ là cảnh báo sớm về rủi ro xảy ra điều chỉnh chung.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định chỉ số VN-Index đang tiến vào vùng kháng cự 1.185 – 1.215 điểm, có thể sẽ liên tục xuất hiện các nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng kém hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

“Tình trạng phân hóa này có thể sẽ còn tiếp diễn trong tuần giao dịch tới, nhưng khi chỉ số VN-Index tiến sâu vào vùng kháng cự thì rất có khả năng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ điều chỉnh.

Kỳ vọng đà tăng bền

Dù vậy, công ty chứng khoán này vẫn cho rằng rủi ro ngắn hạn ở mức thấp và thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.

Chứng khoán DSC cũng giữ quan điểm tích cực về thị trường, những rung lắc ngắn hạn có thể xảy ra, nhưng tổng thể trong quý I/2024 là giai đoạn thuận lợi cho thị trường chứng khoán.

“Chỉ báo thống kê thị trường cho thấy VN-Index chưa đạt trạng thái quá mua khi đang ở mức 68/100 điểm (vùng đỉnh thường chứng kiến chỉ báo vận động ở vùng 80/100), có nghĩa thị trường chưa ở trong trạng thái “nguy hiểm”, dư địa tăng vẫn còn, với mục tiêu tối thiểu của nhịp tăng hiện tại là khu vực 1.200 điểm”, DSC nhấn mạnh.

Nhìn lại dữ liệu của thị trường trong thời điểm cận Tết, trong 23 mùa Tết Nguyên đán qua, có 6 lần VN-Index ghi nhận mức giảm trong 5 phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết, 17 lần có mức tăng tốt trong 5 phiên trước Tết, thậm chí năm 2008 đạt mức tăng 10,8%. Năm 2023, VN-Index tăng 4,5% trong 5 phiên trước Tết.

Xét “tuần khai xuân”, VN-Index có chuỗi 5 năm liên tiếp (2015 - 2019) tăng điểm. Chuỗi tăng ấn tượng này gián đoạn vào năm 2020 với thông tin về dịch Covid-19. Sang năm 2021, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư trở nên kém hấp dẫn do ảnh hưởng của đại dịch, cùng với đó là sự bùng nổ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh. Riêng 5 phiên đầu xuân 2021, VN-Index tăng 5,6%. Năm 2023, trước một số thông tin không mấy tích cực và tình hình kinh tế khó khăn, thị trường có tuần giao dịch đầu tiên sau Tết sụt giảm.

Nếu chỉ tính riêng phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Âm lịch, VN-Index có 15 phiên tăng và 8 phiên giảm. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi thông tin dịch Covid-19 nên VN-Index có mức giảm mạnh nhất là 3,2% ngay ở phiên giao dịch đầu xuân. Giai đoạn 2021 - 2023, chỉ số có sự khởi sắc trong phiên đầu tiên.

Giám đốc chi nhánh DSC, ông Bùi Văn Huy nhận xét, nhìn chung hầu hết các năm, thị trường thường giao dịch tương đối ảm đạm và thanh khoản kém vào giai đoạn cận Tết âm lịch. Đó là diễn biến rất bình thường khi trong một kỳ nghỉ lễ kéo dài (thường là 1 tuần), có rất nhiều sự kiện trong nước và thế giới sẽ xảy ra, và thực sự rất khó lường.

Nếu đó là những sự kiện xấu, đương nhiên nhà đầu tư sẽ rất bị động. Do đó, lực bán hạ tỷ trọng là rất bình thường. Thêm một lý do nữa là trong tuần nghỉ Tết, dù không giao dịch nhưng các vị thế vay margin vẫn chịu lãi vay, nên thường các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao sẽ thường hạ bớt áp lực.

Nếu kỳ nghỉ lễ “êm ả” và không có sự kiện, thông tin xấu gì, sau đó thị trường sẽ tăng trở lại trong những phiên đầu xuân. Đây là kết quả tưởng thưởng trả cho phần bù rủi ro của các nhà đầu tư đã nắm giữ qua Tết. Thị trường cũng sẽ thường có "sóng" sau Tết Nguyên đán nếu bối cảnh thuận lợi với khí thế đầu năm.

“Hiện tại, tâm lý thị trường trong trạng thái tương đối tốt, bất chấp những biến động có vẻ như khó lường trở lại của thị trường chứng khoán thế giới. Do đó vẫn có thể kỳ vọng một thị trường giao dịch tích cực”, ông Huy nhìn nhận.

Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào nên tiếp tục nắm giữ danh mục, hạn chế mua đuổi gia tăng tỷ trọng khi VN-Index đang dần tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm. Trong trung, dài hạn, thị trường đang dần củng cố và hình thành nền tảng tích lũy, nhưng quá trình này sẽ kéo dài, nhà đầu tư có thể giải ngân với quan điểm mua tích lũy dần, vì thời điểm hình thành uptrend mới sẽ còn khá dài.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/thi-truong-chung-khoan-se-dien-bien-ra-sao-truoc-ky-nghi-tet-1097968.html