Thị trường chứng khoán tuần qua: Gián đoạn mạch tăng 6 tuần liên tiếp, VN-Index lùi về dưới mốc 1.200 điểm

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua gián đoạn mạch tăng 6 tuần liên tiếp và VN-Index giảm mạnh lùi về dưới ngưỡng 1.200 điểm. Thanh khoản liên tục được duy trì trên ngưỡng tỷ USD nhưng thị trường không thể vượt qua vùng cản kỹ thuật 1.243 điểm. Khối ngoại quay lại bán ròng tuần vừa qua nhưng không phải là nguyên nhân chính tác động tới thị trường.

Thị trường chứng khoán tuần (14/8 - 18/8) biến động rất mạnh theo hướng không tích cực, đặc biệt là phiên giảm mạnh cuối tuần. Điểm nhấn đáng chú ý diễn ra ở phiên cuối tuần khi chỉ số VN-Index để mất 55,49 điểm, tương đương giảm 4,5% còn 1.177,99 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này hơn 1 năm vừa qua và là phiên giảm thứ 7 trong 18 phiên kể từ khi thị trường vượt ngưỡng 1.200 điểm.

Tính theo tuần, đây cũng là tuần giảm đầu tiên sau chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp. Chỉ số VN-Index chốt tuần giảm -4,4%, VN30 giảm -4,03%, trong đó, mức sụt mạnh nằm ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lần lượt -4,7% và -4,8%.

Đối với các nhóm cổ phiếu, phiên giảm mạnh cuối tuần vừa qua cũng xóa sạch thành quả từ 1 đến 2 tuần trước đó. Ngoại trừ nhóm cổ phiếu công nghệ ngược dòng thị trường nhờ: FPT (+4,27%), ELC (+3,16%)… phần còn lại giảm bình quân từ 2% đến 7% trong đó có nhiều nhóm cổ phiếu giảm mạnh hơn thị trường chung.

Kể từ đầu tháng 8, thanh khoản đã vọt lên mức 27.228 tỷ đồng, cao hơn 28,5% so với tháng 7 và đang là mức cao nhất kể từ đầu năm (theo tháng).

Nhóm Vingroup là động lực tăng của thị trường 2 tuần trước đó lại là nhóm có mức giảm mạnh nhất trong tuần vừa qua: VIC (-7,85%), VHM (-6,73%), VRE (-5,37%)… Nhóm bất động lực ngoài cổ phiếu CEO vẫn giữ được thành quả tăng +23,7%, phần lớn các cổ phiếu còn lại giảm mạnh: NVL (-7,89%), DXG (-6,9%), NLG (-7,5%)… Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy có mức giảm ít hơn thị trường chung nhưng mức giảm diễn ra trên diện rộng: VPB (-6,36%), BID (-5,35%), CTG (-4,36%), TCB (-3,42%)…

Thanh khoản toàn thị trường phiên cuối tuần chạm mức ấn tượng 42.200 tỷ đồng, kéo thanh khoản bình quân tuần vừa qua đạt 28.956 tỷ đồng, tăng 10,3% so với tuần trước, đây đã là tuần thứ 6 liên tiếp thanh khoản đạt trên mức 20.000 tỷ đồng và mức bình quân 6 tuần là 24.637 tỷ đồng, qua đó ghi nhận mức thanh khoản cao nhất kể từ tuần đầu tháng 4/2022.

Khối ngoại bán ròng 1.593 tỷ đồng ở tuần vừa qua, lũy kế kể từ đầu năm khối ngoại bán ròng 2.674 tỷ đồng. Đáng chú ý, các quỹ ETF bị rút ròng tuần thứ 3 liên tiếp và tuần vừa qua cũng là tuần bị rút ròng 57 triệu USD, nhiều nhất kể từ đầu năm, lũy kế các quỹ ETF vẫn ở trạng thái hút ròng 157 triệu USD. Các quỹ ETF bị rút ròng trong tuần vừa qua: KIM (-28,12 triệu USD), DCVFMVN30 (-24,15 triệu USD), Fubon (-13,2 triệu USD), Diamond (-10,23 triệu USD)…

Thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua một tuần điều chỉnh mạnh. Nhịp điều chỉnh này không xuất phát từ các thông tin tiêu cực cả trong và ngoài nước tác động. Thậm chí so với chứng khoán thế giới, thị trường trong nước còn điều chỉnh trễ 2 tuần.

"Chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật trong tuần tới và nhà đầu tư nên ngừng hành động bán tháo. Nhà đầu tư nên chờ các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu thay vì bán tháo trong những phiên giảm điểm mạnh. Vùng 1.150 - 1.170 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index” - chuyên gia của VNDIRECT.

Theo các chuyên gia của MBS, nguyên nhân có thể đến từ yếu tố kỹ thuật khi chỉ số VN-Index không thể dứt điểm vùng cản 1.243 điểm, chỉ số này dao động 2 tuần trong biên độ 20 điểm dưới ngưỡng cản này trong bối cảnh thanh khoản bình quân toàn thị trường 6 tuần vừa qua ở mức tỷ USD (24.637 tỷ đồng). Khi lượng cổ phiếu tích tụ khá dày ở vùng giá cao chịu áp lực bán mạnh ngay ở nhịp điều chỉnh đầu tiên sau nhịp tăng mạnh trước đó đều khiến thị trường giảm sốc và xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ dễ dàng.

Còn theo các chuyên gia của VNDIRECT, nhịp điều chỉnh của thị trường đã được dự báo từ trước, tuy nhiên điểm bất ngờ đó là mức độ giảm nhanh và mạnh chỉ trong một phiên cuối tuần vừa qua. Rất may, thị trường có 2 phiên cuối tuần thứ bảy và chủ nhật để nhà đầu tư lấy lại sự bình tĩnh và suy xét. Việc hạ tỷ trọng margin của một công ty chứng khoán top đầu thị phần thông thường chỉ có tác động “ngắn hạn” trong vòng 1-2 phiên giao dịch và giảm bớt đáng kể sau đó. Vấn đề về tỷ giá cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi đã quay đầu giảm mạnh trong phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu. Trong khi đó nhóm cổ phiếu họ “Vin” có thể sớm lấy lại sự cân bằng.

Do đó, “chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật trong tuần tới và nhà đầu tư nên ngừng hành động bán tháo. Nhà đầu tư nên chờ các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu thay vì bán tháo trong những phiên giảm điểm mạnh. Vùng 1.150 - 1.170 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index” - chuyên gia của VNDIRECT.

Biểu đồ kỹ thuật chỉ số VN-Index. Nguồn: MBS.

Biểu đồ kỹ thuật chỉ số VN-Index. Nguồn: MBS.

Về kỹ thuật, chuyên gia của MBS cho rằng, sau nhịp tăng hơn 40% kể từ mức đáy tháng 11 năm ngoái, hoặc hơn 20% kể từ đầu tháng 5 vừa qua, thị trường cũng cần có nhịp điều chỉnh để nhà đầu tư đánh giá lại kỳ vọng trong bối cảnh thị trường trong nước đang ở giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, trong khi chứng khoán thế giới đang trong nhịp điều chỉnh kể từ đầu tháng 8.

Trong kịch bản cơ sở, nhịp điều chỉnh có thể diễn ra từ 1 đến 2 tuần với vùng hỗ trợ gần ở khu vực 1.156 – 1.163 điểm, sau đó sẽ có nhịp hồi kỹ thuật. Áp lực bán có thể còn mạnh ở phiên đầu tuần tới, thị trường sẽ chững đà giảm khi các cổ phiếu có mức điều chỉnh mạnh về vùng hỗ trợ nhận được lực cầu bắt đáy./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-tuan-qua-gian-doan-mach-tang-6-tuan-lien-tiep-vn-index-lui-ve-duoi-moc-1200-diem-134334.html