Thị trường chứng khoán tuần từ 3 - 7/3: Lạc quan nội tại, quan ngại bên ngoài

Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán tuần từ ngày 3 - 7/3/2025, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tuần giao dịch mới với sự phân hóa rõ rệt giữa các yếu tố nội tại và tác động bên ngoài. Trong khi nội lực thị trường vẫn vững vàng với thanh khoản gia tăng, nhóm ngành dẫn dắt tích cực và dòng tiền nội duy trì ổn định, thì những biến động từ thị trường quốc tế và chính sách thương mại của Mỹ có thể tạo ra áp lực điều chỉnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường trong nước vững vàng trước sóng gió bên ngoài. Chứng khoán toàn cầu đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, đặc biệt tại khu vực châu Á. Thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc đã để mất ngưỡng hỗ trợ MA200, trong khi chứng khoán Trung Quốc cũng không duy trì được đà tăng. Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Thái Lan và Philippines đã chính thức rơi vào "bear market" với mức giảm hơn 20% từ đỉnh gần nhất.

Thị trường hàng hóa cũng chứng kiến những biến động lớn. Giá vàng, sau chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp, đã giảm hơn 3% do sự chuyển dịch dòng tiền sang USD và trái phiếu kho bạc Mỹ. Giá dầu cũng về mức thấp nhất trong hai tháng qua, ghi nhận tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2024.

Chính sách thuế quan mới từ Tổng thống Donald Trump tiếp tục là yếu tố tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Việc áp thuế 25% đối với Mexico và Canada có hiệu lực từ ngày 4/3, cùng với mức thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tăng từ 10% lên 20%, đang làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu.

Ở trong nước, bất chấp áp lực từ thị trường quốc tế, VN-Index ghi nhận tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp, giữ vững trên ngưỡng 1.300 điểm. Chốt tuần, VN-Index đạt 1.305,36 điểm (+0,66%), với động lực chính đến từ nhóm midcap (+1,36%), thép (+5,01%), chứng khoán (+3,2%) và bất động sản (+2,58%).

Thanh khoản thị trường đạt 21.137 tỷ đồng, tăng 13,2% so với tuần trước, đánh dấu mức cao nhất trong 5 tháng qua. Dòng tiền tập trung vào các nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách, đặc biệt là ngành thép (nhờ thuế chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc) và chứng khoán (nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường).

Dù vậy, áp lực bán ròng từ khối ngoại vẫn tiếp diễn với 2.758 tỷ đồng trong tuần, đưa mức bán ròng tháng 2 lên 9.850 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh gồm FPT (-470 tỷ đồng), STB (-416 tỷ đồng), HPG (-369 tỷ đồng); trong khi đó, MWG (+547 tỷ đồng) và VNM (+170 tỷ đồng) được mua ròng.

MBS nhận định VN-Index vẫn có tiềm năng tăng trưởng với vùng hỗ trợ 1.280 - 1.290 điểm và mục tiêu hướng đến 1.320 - 1.350 điểm trong thời gian tới.

Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) thì cho rằng, thị trường chứng khoán cần một giai đoạn tích lũy để duy trì đà tăng. VN-Index đã có chuỗi 6 tuần tăng điểm liên tiếp từ vùng 1.220 điểm lên 1.305 điểm, nhưng đang có dấu hiệu điều chỉnh khi chạm ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Sự phân hóa giữa các nhóm ngành đang trở nên rõ nét hơn, với dòng tiền xoay vòng giữa các lĩnh vực chứng khoán, thép, bất động sản và khu công nghiệp; trong khi nhóm bảo hiểm, xây dựng và ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh.

Thanh khoản tiếp tục tăng mạnh, đạt 13,1% so với tuần trước, cho thấy dòng tiền vẫn đang hỗ trợ tích cực. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2502 tăng +3,20 điểm (+0,24%), đóng cửa tại 1.357 điểm, trong khi khối lượng mở OI đạt 39.432 hợp đồng, tăng so với 28.103 hợp đồng của tuần trước, phản ánh xu hướng gia tăng vị thế nắm giữ.

Theo SHS, để VN-Index duy trì xu hướng tăng trung hạn, thị trường cần có giai đoạn tích lũy với mức thanh khoản trung bình đạt khoảng 19.000 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng hợp lý, ưu tiên các mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đóng vai trò chủ chốt trong các ngành chiến lược.

Dưới góc nhìn của mình, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của CTCK VNDirect khuyến nghị cẩn trọng trước rủi ro nhưng vẫn có cơ hội.

Theo ông Đinh Quang Hinh, VN-Index đã vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm bất chấp áp lực chốt lời mạnh. Sự luân chuyển của dòng tiền giữa các nhóm ngành, đặc biệt là thép (do áp thuế phòng vệ), bất động sản (tháo gỡ pháp lý) và chứng khoán (kỳ vọng triển khai KRX) đã giúp duy trì xu hướng tăng của thị trường.

Tuy nhiên, chính sách thuế quan của Mỹ đối với Mexico, Canada và Trung Quốc là một rủi ro cần theo dõi. Mặc dù Việt Nam chưa bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng tâm lý nhà đầu tư có thể bị tác động bởi những biến động trên thị trường quốc tế.

Trong tuần này, VN-Index sẽ kiểm định vùng 1.300 điểm. Nếu giữ vững, chỉ số có thể tiến đến vùng 1.320 - 1.340 điểm. Ngược lại, nếu không trụ vững, VN-Index có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.280 điểm. Nhà đầu tư cần kiểm soát rủi ro, chốt lời các cổ phiếu đã tăng mạnh và xem xét dịch chuyển danh mục sang nhóm midcaps trong các ngành điện, bất động sản dân cư và xuất khẩu.

Về định hướng chiến lược giao dịch, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang duy trì sức mạnh nội tại với dòng tiền nội ổn định, thanh khoản cải thiện và chính sách hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, rủi ro bên ngoài, đặc biệt là căng thẳng thương mại và biến động của thị trường thế giới, có thể gây ra những nhịp điều chỉnh ngắn hạn.

Chiến lược phù hợp lúc này là duy trì danh mục đầu tư hợp lý, ưu tiên nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng bền vững, đồng thời kiểm soát rủi ro trước những biến động khó lường từ thị trường quốc tế.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-chung-khoan-tuan-tu-3-73-lac-quan-noi-tai-quan-ngai-ben-ngoai-160986.html