Thị trường chứng khoán vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng
Thị trường chứng khoán đang bắt đầu tìm lại điểm cân bằng sau pha điều chỉnh trong tháng 4. Các rủi ro trên thị trường thế giới lẫn trong nước đang dần hạ nhiệt. Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù trong ngắn hạn đang có nhiều biến động nhưng thị trường chứng khoán vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng.
Lợi nhuận doanh nghiệp ghi nhận sự cải thiện
Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4, thị trường chứng khoán (TTCK) đã trải qua nhiều phiên giảm điểm trước tác động của các yếu tố trong và ngoài nước. Kết thúc tháng 4/2024, VN-Index giảm gần 75 điểm (giảm 5,81%) so với cuối tháng trước.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6,44 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm trước; tương đương 63% GDP năm 2023. Hiện có 738 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 7,7 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán.
Giá trị giao dịch bình quân tháng 4 là 26.500 tỷ đồng/phiên, giảm 10,8% so với tháng trước; bình quân 4 tháng đầu năm là 24.400 tỷ đồng, tăng 38,8% so với bình quân năm 2023.
Còn theo số liệu thống kê do Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) thực hiện từ kết quả kinh doanh quý I/2024 của 1.059 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng trong đầu năm, mặc dù tốc độ tăng có phần chậm lại. Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế của 1.059 doanh nghiệp này tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,4% so với quý gần nhất. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 7 quý, chỉ thấp hơn 2 quý đầu năm 2022. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của quý I/2024 đã chậm lại đáng kể so với mức tăng 35,3% trong quý IV/2023 do nền so sánh cao dần.
“Tỷ lệ chi phí lãi vay/tổng vay nợ nhóm doanh nghiệp phi tài chính giảm mạnh về 5,8% từ mức đỉnh là 7,8% trong quý II/2023. Tổng chi phí lãi vay theo đó giảm từ 19.700 tỷ đồng trong quý II/2023 xuống 15.200 tỷ đồng trong quý I/2024, mặc dù tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng nhẹ. Như vậy, mặt bằng lãi suất giảm đang dần thể hiện tác động tích cực giúp giảm bớt áp lực lãi vay lên doanh nghiệp”, SSI Research cho biết.
Mặc dù một số ngành như: bất động sản, điện, nước, xăng dầu và khí đốt vẫn đang trong chu kỳ giảm, song nhìn chung phần lớn các ngành khác đang từng bước phục hồi với sức khỏe tài chính dần cải thiện.
“Kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn”, chuyên gia của SSI Research nhận định.
Theo chuyên gia của SSI Research, ở mặt bằng định giá chung, hệ số P/E Forward 1 năm của VN-Index sau nhịp điều chỉnh đã tiến về lại vùng định giá hấp dẫn trong dài hạn (11,2 lần). Thị trường sẽ được hỗ trợ khi tiến sâu hơn vào vùng định giá hấp dẫn này và sự phân hóa sẽ diễn ra với lợi thế thuộc về các nhóm cổ phiếu cho thấy sự phục hồi và quay lại quỹ đạo tăng trưởng của kết quả kinh doanh cốt lõi, như những gì đã diễn ra trong tháng 4 - tháng cao điểm hấp thụ thông tin kết quả kinh doanh quý I/2024.
“Tiêu dùng, du lịch, hoạt động thương mại phục hồi, giải ngân FDI bứt phá có thể là các tín hiệu ban đầu hỗ trợ cho sự phục hồi lợi nhuận tiếp tục trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để có nền tảng vững chắc cho xu hướng tăng bền vững của thị trường chứng khoán, tăng trưởng lợi nhuận phục hồi bền vững trên diện rộng trong các quý tiếp theo là điều cần thiết”, chuyên gia của SSI Research cho hay.
Thị trường đang bắt đầu tìm lại điểm cân bằng
Nhận định về xu hướng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, thị trường đang bắt đầu tìm lại điểm cân bằng sau pha điều chỉnh trong tháng 4. Các rủi ro trên thị trường thế giới lẫn trong nước đang dần hạ nhiệt, do đó, khả năng thị trường sẽ có giằng co quanh mốc 1.200 điểm và hồi phục trở lại vào giai đoạn cuối tháng 5 khi các thông tin tích cực từ chính sách được khơi thông.
“Sau giai đoạn tăng mạnh của chỉ số VN-Index khi kỳ vọng vào nhiều yếu tố tích cực đưa mức P/E toàn thị trường lên gần 15 lần, nhà đầu tư đang dần điều chỉnh lại các kỳ vọng của mình. Dòng tiền rút khỏi các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong giai đoạn trước và nhạy cảm với các rủi ro của nền kinh tế. Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu phòng thủ, có tỷ suất cổ tức cao hoặc triển vọng hồi phục rõ rệt như dược, hàng gia dụng, vận tải, hàng không vẫn nhận được sự chú ý của dòng tiền và ghi nhận tăng trưởng về giá trong tháng 4”, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên phân tích.
Chuyên gia của PHS cũng cho rằng, nếu phân loại theo nhà đầu tư thì dòng tiền bán ròng mạnh mẽ trong suốt thời gian qua ghi nhận ở nhóm nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nhà đầu tư cá nhân và tự doanh trong nước duy trì mua ròng trong tháng 4. Xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới cho đến khi các rủi ro, bất ổn về kinh tế, địa chính trị thế giới giảm nhiệt và thị trường tìm được điểm cân bằng mới.
“Mặc dù trong ngắn hạn đang có nhiều biến động nhưng nhìn nhận lại bản chất của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, chúng ta vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng. Tôi luôn tin tưởng triển vọng tích cực trong trung, dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ nhiều yếu tố nền tảng hỗ trợ”, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên cho biết.