Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều gam màu hơn trong năm 2024
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các thành viên thị trường tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ trong năm 2024, sớm có thể nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, nhưng nhờ có chính sách chỉ đạo, điều hành chủ động và linh hoạt của Chính phủ, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được giữ vững, qua đó đã hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng ổn định và tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,2% và giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE đạt khoảng 4,56 triệu tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm trước.
“Đặc biệt, trong năm qua, dự án công nghệ thông tin của HOSE với nhà thầu Hàn Quốc cũng đạt được một số bước tiến đáng kể, đã thực hiện xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng (FAT) và tiến đến xem xét việc triển khai hệ thống trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, để TTCK tiếp tục phát triển trước thời cơ và thách thức đan xen trong năm 2024, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu HOSE cần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể, tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chứng khoán và TTCK, đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hướng đến sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, HOSE cũng cần đảm bảo hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên TTCK vận hành ổn định, liên tục, an toàn, thông suốt; giữ vững kỷ luật, kỷ cương thị trường, nâng cao hiệu quả kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền và hợp ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, không để bất kỳ một đối tượng nào trục lợi thị trường. Đặc biệt, tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Để đạt được các mục tiêu trên, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cho rằng, cần có sự chung sức, chung lòng của các Bộ, ngành, các công ty thị trường và công ty niêm yết. Bởi thực tế hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá TTCKVN dựa trên sự trải nghiệm khi tham gia TTCK. Do đó, sự cung cấp tốt dịch vụ của các thành viên thị trường cũng như sự công bố thông tin minh bạch, quản trị của công ty niêm yết là hết sức quan trọng để cho TTCKVN ngày càng phát triển và sớm được nâng hạng.
“Tôi tin tưởng rằng năm 2024, TTCK sẽ có gam màu tươi hơn năm 2023 nhờ vào hàng loạt các yếu tố tích cực, dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Những yếu tố tích cực sẽ tác động đến sự tăng trưởng kinh tế cũng như tác động đến TTCK, cùng với đó là hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giảm lãi suất, cải thiện thị trường ngoại hối, giảm các thuế phí cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tác động tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô”, bà Vũ Thị Chân Phương đánh giá.
Ở góc độ của cơ quan quản lý, UBCKNN cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên thị trường và công ty niêm yết để giám sát thị trường phát triển hiệu quả, thông suốt, minh bạch và đặc biệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của TTCK như rà soát văn bản vi phạm pháp luật, chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán, tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đặc biệt cùng các Bộ, ngành có liên quan để cải thiện các tiêu chí vướng mắc để TTCKVN sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Bên cạnh sự hy vọng TTCK tươi sáng hơn trong năm 2024, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, một số ngành tiềm năng có thể cân nhắc đầu tư, trong đó lĩnh vực ngành ngân hàng, tiêu dùng và sản xuất, công nghệ sẽ tăng mạnh trong năm nay.
“Hiện nay, lãi suất ngân hàng đang rất thấp. Đây chính là động lực để các nhà đầu tư dịch chuyển kênh đầu tư tiết kiệm sang chứng khoán. Mặt khác, lãi suất thấp cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản. Hiện trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã ổn định hơn, góp phần cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Trịnh Hoài Giang chia sẻ.
Ngoài ra, theo nghiên cứu phân tích của HSBC thì kinh tế Việt Nam trong năm 2024 dự báo sẽ tăng trưởng 6% GDP, thị trường chứng khoán sẽ tăng 10 -15%; các ngành khác cũng sẽ tăng trưởng, trong đó ngành tiêu dùng sẽ tăng trưởng mạnh. Sự dịch chuyển FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ và đây là xu thế, yếu tố thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong năm nay.