Thị trường chứng khoán Việt sẽ ra sao trong thời gian tới?
Trên khung đồ thị 1D, chỉ báo RSI vẫn nằm trong trạng thái bán với tâm lý vẫn là tiêu cực trong ngắn hạn.
Thị trường điều chỉnh
Kể từ khi chạm đáy và bắt đầu chu kỳ tăng giá mới từ ngày 15/11/2022 tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa trải qua giai đoạn giảm điểm mạnh, mà chủ yếu là nhịp rung lắc, sau đó tiếp tục tăng với câu chuyện kỳ vọng giải cứu của Chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy đầu tư công và đặc biệt đầu năm 2024 là câu chuyện nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, trong tháng 3/2024, thị trường chứng khoán có dấu hiệu đi ngang, không tăng điểm với thanh khoản cao. Điều này tạo dấu hiệu phân phối đỉnh khi liên tục xuất hiện phiên cảnh báo vào ngày 23/2, 8/3, 18/3 và đặc biệt là phiên 15/4, thị trường chính thức phá vỡ xu hướng tích lũy và bắt đầu có dấu hiệu bị bán tháo khi hàng loạt cổ phiếu có dấu hiệu dư bán sàn trở lại.
Theo dữ liệu định giá của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam theo P/E chạm đáy 9,84 lần, nhưng sau đó đã đạt đỉnh vào ngày 2/4/2024 là 15,08 lần. Trong đó, định giá P/E trung bình của thị trường trong vòng 5 năm trở lại đây thường dao động từ 10 đến 15 lần.
Như vậy, trải qua nhịp sóng tăng kéo dài, định giá thị trường không còn rẻ, việc thị trường có dấu hiệu đảo chiều sau giai đoạn đi ngang là tín hiệu cảnh báo khi thị trường mới bắt đầu điều chỉnh.
Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường vẫn chưa thể phục hồi. Nhịp hồi kỹ thuật phiên trước đó chưa thể đưa chỉ số về mức 1.200 điểm thì áp lực điều chỉnh bất ngờ trở lại đưa nhiều nhà đầu tư tiếp tục "xa bờ". Sắc xanh là thứ khá "xa xỉ" trong phiên hôm qua (23/4) khi chỉ xuất hiện vỏn vẹn những phút đầu phiên trước khi sắc đỏ áp đảo hoàn toàn. Lực bán có xu hướng gia tăng mạnh trong phiên chiều, thị trường có lúc rơi sâu đến hơn 20 điểm về mức 1.169,61 điểm. Dòng tiền có sự nhập cuộc trong những phút cuối phiên giúp thị trường hồi phục gần 8 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.177,40 điểm, giảm 2,82 điểm (-1,08%).
Thanh khoản thị trường gia tăng nhẹ khi áp lực bán dần tăng mạnh trong phiên chiều. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX đạt 721 triệu cổ phiếu (+9,01%), tương đương 17.450 tỷ đồng (+9,42%) về giá trị giao dịch.
Khối ngoại nối tiếp đà bán ròng -298 tỷ đồng trên sàn HSX. Tâm điểm bán ròng phiên hôm nay thuộc về nhóm cổ phiếu: VHM (-177 tỷ đồng), DIG (-58 tỷ đồng), MSN (-50 tỷ đồng),... Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại gom mạnh các cổ phiếu: HPG (+103 tỷ đồng), MWG (+91 tỷ đồng), SSI (+45 tỷ đồng),...
Kỳ vọng vào thị trường ở dài hạn
Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, dưới sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, tổ chức hữu quan… UBCKNN vẫn đang triển khai rất quyết liệt, chủ động nhiều giải pháp, không chỉ hỗ trợ TTCK ổn định, hồi phục mà còn mang tính tăng trưởng dài hạn, bền vững hơn trong tương lai, chẳng hạn như triển khai Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, công tác nâng hạng thị trường….
Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát, công tác hoàn thiện khung pháp lý đã và đang được đẩy mạnh, lãnh đạo UBCKNN cho biết, hiện cơ quan quản lý và các bên liên quan đang nỗ lực rất lớn để thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
“Dù được nâng hạng hay không là quyết định khách quan của tổ chức xếp hạng, nhưng chúng ta có cơ sở để kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra” - lãnh đạo UBCKNN nói.
Theo đó, cơ quan quản lý đã tốc lực sửa đổi quy định pháp lý để tháo gỡ vấn đề ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (free-funding) và tăng khả năng tiếp cận thông tin bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài. Kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng TTCK Việt Nam.
Cùng với đó, cơ quan quản lý đã chỉ đạo các thành viên thị trường nâng cao năng lực tài chính và quản trị rủi ro để đáp ứng cung cấp dịch vụ liên quan tới nâng hạng. Nhiều công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn để vừa đảm bảo an toàn cho vay margin và cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Chẳng hạn như, gần đây, mặc dù khi thị trường tăng thì tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) cũng tăng, nhưng tỷ lệ cho vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu ở mức rất an toàn. “Chúng tôi nghĩ đó là những chuyển động thực tiễn tích cực” - lãnh đạo UBCKNN nói.
Song song với các vấn đề đó, Lãnh đạo UBCKNN cho biết thêm, cơ quan quản lý liên tục làm việc với các tổ chức xếp hạng, các tổ chức quốc tế (như FTSE, World Bank, Morgan Stanley…) và các thành viên thị trường để bàn giải pháp tháo gỡ. Thời gian tới, sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng để trao đổi, tháo gỡ các vấn đề về nâng hạng, điển là sẽ làm việc với Hiệp hội các Thị trường tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA).
Tuy nhiên, nhận định về thị trường nhiều chuyên gia vẫn nhận định,thị trường chưa thể phục hồi và tình trạng giảm điểm sẽ vẫn diễn ra.
Chứng khoán AIS nhận định, trên khung đồ thị 1D, chỉ báo RSI vẫn nằm trong trạng thái bán với tâm lý vẫn là tiêu cực trong ngắn hạn.
VN-Index phiên này hình thành cụm nến Bearish Engulfing - nhấn chìm giảm với thanh khoản lớn hơn phiên trước. Điều này cho thấy trạng thái giảm điểm có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tới.
Do phiên trước là phiên tăng điểm trong nghi ngờ nên sự tiêu cực của phiên này là khó tránh khỏi. Trong bối cảnh các yếu tố hỗ trợ gần như thiếu vắng và rủi ro ngắn hạn vẫn đang hiện hữu. Hỗ trợ mạnh nhất cho đợt giảm điểm lần này sẽ là vùng 1.130 điểm.