Thị trường chuyến bay VIP bất ngờ sôi động
Trong khi ngành hàng không truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và giá nhiên liệu tăng mạnh, một thị trường ngách là máy bay riêng lại ghi nhận nhu cầu tăng đột biến, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác.
Trong 3 năm qua, các hãng hàng không bị cuốn vào tình trạng bất ổn khi việc đi lại bằng đường hàng không bị hạn chế bởi dịch Covid-19 và giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, trong khi thị trường hàng không nói chung gặp khó khăn, một thị trường ngách lại ghi nhận nhu cầu tăng đột biến, đó là máy bay riêng để phục vụ nhu cầu khẩn cấp, cứu trợ hay phục vụ du lịch, khách VIP.
Đặc điểm của loại hình bay riêng so với hàng không truyền thống đó là có đa dạng các loại phương tiện bay hơn: máy bay cánh bằng, trực thăng, phản lực thương gia, máy bay thể thao, máy bay cứu hộ...
Lợi thế của loại hình này so với máy bay truyền thống được phát huy tối đa khi dịch Covid-19 bùng nổ. Các máy bay tư nhân làm thủ tục nhanh hơn, an toàn hơn khi số người trên máy bay ít hơn hẳn. Một hành khách chọn di chuyển bằng máy bay riêng chỉ gặp khoảng vài chục người trên hành trình, trong khi đối với các chuyến bay thương mại con số này lên đến vài trăm người.
Trên thế giới, đây là một thị trường vô cùng phát triển, đặc biệt là tại Mỹ và Canada. Tại Việt Nam, nhu cầu này bắt đầu tăng mạnh thời gian gần đây và ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác.
Lâu đời nhất phải kể đến Công ty Trực thăng miền Bắc (VNH North), thuộc tổng Công ty Trực thăng Việt Nam. Trong 2020, bất chấp tình hình đại dịch, doanh nghiệp vẫn khai trương dịch vụ bay trực thăng Bell 505 phục vụ du khách ngắm toàn cảnh quần thể Tràng An từ trên cao. Công ty này trước đó cũng đã khai thác dịch vụ tương tự tại nhiều địa phương du lịch như Côn Đảo, Mù Cang Chải, Đà Nẵng.
Tuy nhiên, máy bay riêng đang là lĩnh vực do tư nhân làm chủ. Nổi bật nhất hiện nay là Hai Au Aviation của Tập đoàn Thiên Minh với những chiếc thủy phi cơ Cessna Grand Caravan 208B-EX.
Máy bay có thể chở từ 9 - 12 người với giá thuê là 35 triệu đồng cho 1 giờ bay. Bên cạnh các dịch vụ bay hành trình, bay thuê chuyến, doanh nghiệp này còn có sản phẩm đặc thù là dịch vụ bay thủy phi cơ tại Vịnh Hạ Long với công suất phục vụ 8 - 12 chuyến/ngày
Cuối năm ngoái, Hai Au Aviation mở rộng dịch vụ bay riêng của mình 2 máy bay Falcon 8x và 1 chiếc Falcon 2000LXS. Khác với thủy phi cơ Cessna, Falcon là chuyên cơ có thể bay đường dài. Giá mỗi chiếc Falcon 8X theo Aviationweek vào khoảng 58 triệu USD còn Falcon 2000LXS khoảng 30 triệu USD.
Trong lĩnh vực bay thương gia, năm 2019, Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) đang cung cấp dịch vụ Fly Vip – dịch vụ máy bay phản lực thương gia hạng sang.
Vietstar Airlines hiện có các máy bay nhỏ như Beechcraft King Air B350, Embraer Legacy 600, Legacy 650 cho thuê theo nhu cầu. Giá một chuyến bay rẻ nhất ở Fly Vip cũng lên đến 3500 USD/giờ bay trên chiếc King Air B350 8 chỗ. Ở mức giá cao hơn Embraer Legacy 600, Legacy 650, với mức giá 10.000USD/giờ bay với các khu vực hội họp, làm việc như một căn phòng làm việc trên không trung.
Cuối năm ngoái hãng này ký hợp đồng với Gulfstream Aerospace để bổ sung vào đội bay một chiếc Gulfstream G650ER.
Blue Sky Airways - hãng hàng không vừa được "hồi sinh" sau khi được cấp lại giấy phép hàng không chung vào tháng 7/2021 cũng dự kiến cung cấp một số dịch vụ bay riêng với các dịch vụ đơn giản như bay thuê chuyến được thiết kế riêng theo nhu cầu của khách, cơ cấu giá đơn giản, thanh toán theo giờ bay.
Đội bay của Blue Sky Airways dự kiến bao gồm 1 chiếc Falcon 8x được ký hợp đồng mua vào tháng 7/2021 và 1 chiếc Falcon 2000LXS được ký hợp đồng thuê vào tháng 12/2021.
Chia sẻ với báo chí, Bà Hồ Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT Blue Sky Airways, cho biết, mục tiêu của Blue Sky Airways là áp dụng mô hình Jetcard đã thành công trên thế giới theo phương thức “chia sẻ giờ bay”, bao gồm hai hình thức cơ bản là thẻ thành viên và thẻ trả trước.
Mới chỉ tham gia vào thị trường hàng không cấp từ đầu năm nay và chưa tiến hành khai thác, song Sun Air của Sun Group được kỳ vọng sẽ sớm trở thành thế lực hàng đầu trong linh vực máy bay riêng. Ra mắt tháng 3/2022, Sun Air tập trung vào dịch vụ máy bay phản lực thương gia.
Đơn vị này cho thấy tham vọng lớn hơn cả khi đặt ra kế hoạch bao quát toàn bộ các loại hình phương tiện phục vụ thương gia. Theo lộ trình, từ quý III/2022, Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, Sun Air dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, 1 trực thăng và 2 thủy phi cơ.
Các máy bay Gulfstream được Sun Air lựa chọn là thuộc dòng máy bay phản lực thương gia có tầm bay xuyên lục địa, trang bị công nghệ tối tân và không gian cabin đẳng cấp. Hai chuyên cơ này có tầm hoạt động và tốc độ vào hạng nhất thế giới hiện nay.
Trong tương lai, đơn vị hàng không của Sun Group cũng dự định sẽ đầu tư thêm các dòng máy bay phản lực thương gia siêu lớn và siêu xa như Boeing BBJ và Airbus ACJ.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thi-truong-chuyen-bay-vip-bat-ngo-soi-dong-1657184547850.htm