Thị trường Coworking Space Hà Nội chuẩn bị biến động mạnh khi có thêm lính mới
Thị trường Coworking Space tại thủ đô trong thời gian tới được dự đoán sẽ có biển động mạnh, áp lực cạnh tranh giữa các ông lớn trong ngành sẽ tăng cao khi có sự xuất hiện của lính mới Dreamplex.
Bắt đầu được biết đến rộng rãi và thu hút sự quan tâm của người dùng tại Việt Nam từ năm 2015 với sự xuất hiện của những cái tên đầu tiên như Dreamplex hay Toong, mô hình không gian làm việc chung (Coworking Space) ngày nay đã trở thành lựa chọn phổ biến của các doanh nghiệp. Nhờ lợi thế về chi phí cùng tính linh hoạt của các dịch vụ thuê không gian, Coworking Space đặc biệt phù hợp với cộng đồng khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là các tập đoàn lớn.
Tại 2 đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, các đơn vị cung cấp không gian làm việc chung nhanh chóng xuất hiện và đẩy mạnh cuộc chạy đua mở rộng quy mô.
Theo một thống kê của CBRE Việt Nam, tính đến tháng 4/2018, hai thành phố nói trên có 34 không gian làm việc chung. Trong đó, Hà Nội có 19 và Tp. Hồ Chí Minh có 15. Số lượng không gian làm việc chung tăng lên 62% và ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng trung bình 55% trong vòng 5 năm từ 2013 - 2018. Những nhà cung cấp tên tuổi nhất thị trường có thể kể đến như Dreamplex, Toong, UP, CoGo, Regus, CirCo, The Hive… và Wework – trước khi xảy ra scandal IPO cũng đã bước chân vào Việt Nam bằng việc mua lại NakedHub của Trung Quốc.
Đến hiện tại, số lượng các không gian làm việc chung chắc chắn đã tăng mạnh khi trong 12 tháng qua, Up mở thêm 4 địa điểm mới với tổng quy mô khoảng 15.500 m2 trong khi Toong mở mới 3 địa điểm và cung cấp 7.000 m2. Trong 24 tháng qua, Cogo cũng mở mới 5 điểm với nguồn cung 11.500 m2. Chưa kể đến các Coworking Space mới ra đời. CBRE cho rằng, do không gian làm việc chung vẫn còn khá mới mẻ đối với thị trường, loại hình này dự kiến sẽ tăng trưởng nhiều hơn trong những năm tới.
Riêng tại Hà Nội, tháng 2/2020 sẽ xuất hiện thêm một nhà cung cấp mới với tiềm lực “đáng gờm” là Dreamplex. Bao trọn 7 tầng của tòa nhà TTG Tower trên đường Thái Hà (quận Đống Đa) với diện tích 3.400m2, đây là địa điểm thứ 4 và cũng là địa điểm lớn nhất của Dreamplex.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường cho thuê văn phòng nói chung và phân khúc Coworking Space nói riêng tại Hà Nội là không thể phủ nhận khi 9 tháng đầu năm 2019, thủ đô có 20.562 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 263,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9% về số lượng doanh nghiệp và tăng 28% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước (số liệu của Tổng cục thống kê).
Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (70%) và nhỏ (29%). Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ ngày càng tăng và đặc biệt, làn sóng khởi nghiệp nổi lên tại Việt Nam sẽ thúc đẩy nguồn cầu đối với không gian văn phòng quy mô nhỏ và sáng tạo như Coworking Space vì nó phù hợp với cách làm việc của thế hệ millennials (những người sinh ra từ năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000).
Thị trường
Coworking Space Hà Nội chuẩn bị đón chào một đối thủ “đáng gờm”.
Báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2019 của CBRE cho biết, trong nửa đầu năm 2019, thị trường Hà Nội vẫn chứng kiến nhu cầu thuê văn phòng tích cực với tỷ lệ hấp thụ đạt 21.500 m2. Trong các ngành nghề, ngành công nghệ thông tin/công nghệ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu chính, chiếm 27% tổng số lượt hỏi thuê văn phòng mà CBRE nhận được. Các công ty công nghệ hiện tại đã mở rộng nhanh chóng, trong khi các công ty mới từ Nhật và Hoa Kỳ cũng đang tìm kiếm địa điểm cho văn phòng mới. Với tình hình thị trường như vậy, Coworking Space được dự báo sẽ mở rộng mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2019.
Sự xuất hiện của lính mới Dreamplex Thái Hà tại thời điểm hợp lý (đầu năm 2020) và quy mô đáng nể tại vị trí đắc địa sẽ đem đến lượng cung lớn để đáp ứng nhu cầu thuê văn phòng đang lên tại thị trường Hà Nội. Nhưng đồng thời cũng làm cho cuộc cạnh tranh giữa các Coworking Space tại thủ đô thêm áp lực.
Thực tế được lãnh đạo một Coworking Space lớn chia sẻ, tuy lượng cầu của thị trường lớn nhưng sự cạnh tranh giữa các Coworking Space tại Hà Nội rất gay gắt. Thông thường, các tiêu chí lựa chọn thuê văn phòng chính bao gồm địa điểm, giá thuê, chất lượng tòa nhà và công nghệ. Tuy nhiên, bất chấp vị trí đẹp, tọa lạc trong các tòa văn phòng hạng A và B, không gian làm việc chung của doanh nhân này cũng đang chật vật với bài toán kinh doanh khi nhiều Coworking Space mới mở đang dùng lá bài khuyến mại, giảm giá thuê để giành thị phần.
Chính vì thế, lợi thế lâu dài trong cuộc đua sẽ nghiêng về những đơn vị tạo ra được các giá trị khác biệt cho khách thuê. Nắm bắt được xu hướng này, Dreamplex, Toong hay Up đều có những chiến lược riêng.
Nếu như Toong chọn át chủ bài mang giá trị khác biệt là xây dựng các yếu tố văn hóa như tổ chức các trò chơi dân gian hay tối cuối tuần có thể thưởng thức bia thủ công thì Dreamplex lại chọn tổ chức các hoạt động và sự kiện nhằm nâng cao năng lực bản thân doanh nghiệp. Hàng tuần Dreamplex đều đặn được tổ chức, điển hình như chuỗi sự kiện học hỏi và chia sẻ vào mỗi trưa thứ Tư.
Nói về giá trị khách biệt mang yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp, Ông Jonah Levey, CEO của Dreamplex cho biết: Khách hàng chọn Dreamplex vì chúng tôi xây dựng nhiều chương trình để giúp các thành viên chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phát triển cá nhân lẫn công việc kinh doanh và đặc biệt là những lợi ích vượt trội mà thường chỉ thấy có ở những tập đoàn toàn cầu.”
Tin tưởng vào xu hướng đi lên của loại hình không gian làm việc chung khi từng dự đoán sẽ có hơn 25 địa điểm Coworking Space ở TP.HCM và Hà Nội vào năm 2024, nhưng CEO của Dreamplex khẳng định: “Để làm tốt lĩnh vực Coworking, bạn không chỉ cần có vốn mà còn đòi hỏi quy mô để đảm bảo tính kinh tế. Nó không phải là lĩnh vực kinh doanh dễ dàng và tôi dự đoán các Coworking nhỏ lẻ theo thời gian sẽ gặp khó khăn hoặc bị sáp nhập”. Thị trường Hà Nội sẽ chờ đợi sự xuất hiện của Dreamplex và những biến động tạo ra từ sự khác biệt mà “tay chơi” này đem đến.