Thị trường CPTPP gia tăng điều tra phòng vệ thương mại, Việt Nam làm gì để ứng phó?

Thực tế cho thấy, xu hướng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đang gia tăng tại các nước thành viên CPTPP. Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ nhiều hơn về số lượng, mà còn phức tạp hơn về quy mô và đa dạng hơn về mặt hàng. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định CPTPP dần bước sang giai đoạn thực thi mới.

Xu hướng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đang gia tăng tại các nước thành viên CPTPP

Xu hướng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đang gia tăng tại các nước thành viên CPTPP

Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2019, ngành thép Việt Nam đã đối diện hàng loạt vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại tại Mexico và Canada, trong đó có các sản phẩm như thép mạ, thép cán nguội, thép chống ăn mòn, ống thép, thép cốt bê tông,… Mới đây nhất, tháng 10/2023, Bộ Kinh tế Mexico đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với dây hàn (micro welding wire) nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất sở tại.

Không chỉ tại Mexico và Canada, mà các quốc gia CPTPP nói chung ngày càng có xu hướng quan tâm và tích cực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước xu hướng toàn cầu hóa thương mại mạnh mẽ.

Số lượng các vụ việc điều tra của các nước thành viên Hiệp định CPTPP đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021 có sự gia tăng so với giai đoạn trước đó, cho thấy mức độ chủ động và năng lực điều tra phòng vệ thương mại của các thành viên CPTPP đang ngày càng nâng cao. Số vụ việc mà các đối tác trong CPTPP khởi xướng điều tra với Việt Nam chiếm trên 20% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại khởi xướng bởi các nước thành viên WTO đối với Việt Nam cho đến nay.

Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Australia hiện nay đã điều tra tới 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, tương đương với Canada; trong khi Malaysia cũng đã điều tra trên 10 vụ việc. Đặc biệt, tại thị trường Mexico ghi nhận 3 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, cả 3 vụ việc đều phát sinh mới từ năm 2019 trở lại đây - tức từ thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

So với 3 biện pháp phòng vệ thương mại cơ bản (tự vệ toàn cầu, chống bán phá giá và chống trợ cấp), các thành viên CPTPP đã đàm phán bổ sung 2 biện pháp phòng vệ thương mại nữa là biện pháp tự vệ trực tiếp và biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may. Như vậy, Hiệp định CPTPP có tất cả 5 biện pháp phòng vệ thương mại giúp các doanh nghiệp sản xuất của nước sở tại có căn cứ để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia nội khối.

Với việc tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP, sự gia tăng xuất khẩu nhanh, mạnh của Việt Nam đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trên địa bàn sở tại. Do đó, CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam nhưng cũng mang tới những thách thức, rủi ro về việc bị điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục có các cảnh báo về nguy cơ bị khởi kiện phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường trong khối CPTPP. Trong danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp (cập nhật đến tháng 6/2023), thép hình cán nóng xuất khẩu sang Australia đã lần đầu tiên được đưa vào danh sách, cho thấy nguy cơ phòng vệ thương mại đang gia tăng tại thị trường này.

Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào việc cung cấp thông tin thị trường kịp thời và phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đối với vấn đề này. Đồng thời, tham gia cung cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO; cũng như thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực kháng kiện phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, tăng cường cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý và trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tăng cường tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp.

Bên cạnh hệ thống thông tin cảnh báo sớm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng hay thông tin từ các đối tác của doanh nghiệp ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại để có những ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra các vụ việc về phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được khuyến nghị cần đa dạng hóa sản phẩm để tránh lệ thuộc vào một sản phẩm của một thị trường nhất định nhằm đảm bảo nếu có rủi ro xảy ra thì có thể có những hoạt động kinh doanh sản xuất khác phân tán bớt rủi ro.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cố gắng cạnh tranh chất lượng, không cạnh tranh về giá để hạn chế thấp nhất rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại, qua đó thì tăng trưởng xuất khẩu bền vững hơn, tận dụng tốt hơn những cơ hội từ Hiệp định CPTPP trong bối cảnh mới.

Phương Chi

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/thi-truong-cptpp-gia-tang-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-viet-nam-lam-gi-de-ung-pho-115225.htm