Thị trường cuối năm: Kiểm soát giá nhiều mặt hàng thiết yếu
'Ðiệp khúc' cuối năm hàng hóa tăng giá, bánh kẹo kém chất lượng, hàng '3 không' nhập lậu lại thừa cơ xâm nhập thị trường.
Thịt heo: nhấp nhổm chờ tăng
Trưa 27/12, tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TPHCM), khi chúng tôi hỏi giá thịt heo, chị Bình (tiểu thương bán thịt) nói: “Thịt heo đang giảm khoảng 2 giá (2.000 đồng/kg) so với hôm Giáng sinh. Như sườn non 160.000 đồng/kg, ba chỉ 120.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 180.000 đồng/kg… Em nên tranh thủ mua vài ký trữ tủ lạnh, chứ vài ngày nữa tới tết Tây, giá chắc sẽ tăng lên”.
Mua gần 3 kg thịt các loại, chị Minh An (ngụ đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh) cho hay: “Thấy người ta mua đông nên mình cũng chen, tuy giá có rẻ hơn ở các cửa hàng, siêu thị nhưng không biết nguồn gốc thế nào”.
Khảo sát giá thịt heo tại một số cửa hàng tiện lợi, siêu thị ngoại… giá thịt heo ở mức cao, cụ thể sườn non 200.000 đồng/kg, ba chỉ 178.000 đồng/kg, nạc thăn 170.000 đồng/kg. “Đây đều là heo nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, có mã vạch để truy nguồn gốc. Cửa hàng bên em bán đúng giá, chị có thể so giá từ những nơi khác” - nhân viên một cửa hàng thịt trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận, TPHCM) cam kết.
Ghi nhận giá heo hơi trong ngày 27/12 đã vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg, một số trại chăn nuôi khu vực miền Đông Nam bộ dự báo, giá heo hơi từ nay đến tết có thể tăng lên 80.000-85.000 đồng/kg (cùng kỳ năm ngoái, giá heo hơi đã vọt lên 95.000-96.000 đồng/kg). Ông Nguyễn Minh, thương lái chợ đầu mối Tân Xuân (H.Hóc Môn, TPHCM) cho biết, hiện không lo hụt nguồn cung heo về chợ đầu mối. Tuy nguồn heo dồi dào nhưng sức mua chậm, cộng thêm áp lực cạnh tranh với thịt nhập khẩu nên tiểu thương kinh doanh tại chợ vẫn gặp khó khăn.
Một số thương lái kinh doanh mặt hàng thịt heo dự đoán, thị trường Tết Nguyên đán 2021 khó xảy ra tình trạng thịt heo khan hàng, sốt giá kéo dài vì nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thịt heo giảm hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, ông Lý Minh, chủ trại nuôi heo ở H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai) dự báo, giá heo hơi có khả năng sẽ tăng cao vào dịp lễ tết sắp tới. Nguyên nhân do bệnh dịch tả heo châu Phi đang tái diễn nên nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa có khả năng tái đàn. Ngoài ra, bão lũ ở miền Trung đang khiến bà con chăn nuôi heo ở đây bị thiệt hại nặng nề nên thị trường có khả năng thiếu nguồn cung vào dịp tết.
Tràn lan hàng ngoại “3 không”
Bánh kẹo ngoại, giá rẻ chính là tiêu chí đầu tiên hút khách khi tiểu thương tiếp cận người mua. Tại chợ Vườn Chuối (Q.3, TPHCM), nhiều loại bánh nhập khẩu của Đài Loan như bánh ngàn lớp, bánh cuộn sầu riêng, bánh mochi tan chảy... có giá từ 80.000-100.000 đồng/kg.
“Đây là hàng mới phục vụ mùa tết năm nay do bên mình mới nhập về. Bánh mềm, mịn, vị tự nhiên chứ không ngọt, ngấy như các loại bánh khác. Ngoài bánh, mình còn có nhiều loại kẹo socola đồng tiền, thỏi vàng, giá chỉ 55.000 đồng/kg. Mua từ 2 kg trở lên được giảm còn 50.000 đồng/kg” - tiểu thương tên Thanh chào mời.
Tại chợ Bình Tây cũng bày bán đủ các loại bánh kẹo ngoại, giá còn mềm hơn hàng nội từ 10-20% tùy loại. “Cái này là mình nhập khẩu theo đường xách tay từ Trung Quốc, nhiều người gắn mác “Đài Loan, Hồng Kông” cho dễ bán thôi chứ làm gì có. Mặc dù bây giờ biên giới kiểm soát rất chặt do dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn có nhiều cách để đưa hàng về” - bà T. (kinh doanh bánh kẹo) tiết lộ khi tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn để bán lại. Bà T. cũng gợi ý khách nên lấy trực tiếp từ bà cho tiện. “Em nên đưa về quê, nơi có đông công nhân lao động bán sẽ dễ dàng hơn. Giá rẻ, bao bì đẹp mắt là có khách mua” - bà T. nói.
Quan sát các loại bánh này, ngoài bao bì đơn sơ là có gói ni-lon, còn lại không có thùng hộp, tên đơn vị sản xuất, nhập khẩu, thời gian sử dụng cũng như thành phần nguyên liệu…
Trái cây phục vụ mùa tết cũng tràn ngập thị trường. Từ hàng ngoại như thơm thái, cherry Mỹ, táo Úc… đến hàng nội là cam canh, quýt… với giá “rẻ như cho”. “Cam canh 20.000 đồng/kg, cherry 100.000 đồng/kg… xổ hết” được người bán rao vang một góc chợ. “Cam canh đang đầu mùa, giá tại vườn đã ngót 100.000 đồng/kg và số lượng rất ít, cherry nếu có giảm giá cũng không thể ở mức 100.000 đồng… Tất cả đều là hàng Trung Quốc” - chị Thy Minh, chủ một cơ sở chuyên lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản khẳng định.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khẳng định, hàng lậu, hàng gian, hàng giả nói chung, các loại bánh nội địa Trung Quốc không rõ nguồn gốc nói riêng đang tràn ngập thị trường một phần do thói quen tiêu dùng dễ dãi của nhiều người. Chính họ đã tự làm mất quyền lựa chọn, xem xét nguồn gốc, có đảm bảo về nhãn hàng hóa… trước khi mua hàng chỉ vì ham hàng ngoại giá rẻ. Nếu người tiêu dùng không ưa chuộng và chọn giải pháp tẩy chay, những sản phẩm này sẽ không có “đất sống”.