Thị trường đang ở chân sóng lớn?

Dòng tiền luân chuyển qua nhiều nhóm cổ phiếu đã giúp VN-Index lừ lừ vượt qua các ngưỡng cản và tiếp cận sát vùng 1.500 điểm.

Dòng tiền xoay vòng

Tuần qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một phiên giao dịch kỷ lục, với tổng giá trị khớp lệnh trên cả ba sàn đạt khoảng 52.000 tỷ đồng trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán căng margin.

Thanh khoản đang là điểm sáng nổi bật của thị trường. Không chỉ sàn HOSE, mà sàn HNX và UPCoM cũng ghi nhận thanh khoản tăng mạnh từ đầu tháng 10.

Theo HOSE, chỉ tính trong tháng 10/2021, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỷ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng 9.

Đáng chú ý, dòng tiền liên tục xoay vòng, từ nhóm cổ phiếu bất động sản sang nhóm ngân hàng, chứng khoán… và rất có thể là tiếp tục đến nhóm dầu khí, cảng biển, vật liệu xây dựng… Điều đó cho thấy dòng tiền chốt lời không rời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Nhìn vào phiên giao dịch kỷ lục ngày 3/11 với giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE là 41.156 tỷ đồng, đột biến so với thanh khoản bình quân 3 phiên gần nhất là 26.998 tỷ đồng, Giám đốc đầu tư một công ty chứng khoán nhận xét, nếu tinh ý, nhà đầu tư có thể thấy từ đầu 2021 đến nay, sau các phiên khớp lệnh kỷ lục đi kèm với giảm điểm, thị trường sẽ bước vào nhịp giảm.

Tuy vậy, quan sát hiện tượng của thị trường trong những pha lập đỉnh gần đây thì dường như các nhịp giảm sau các phiên này có xu hướng ngắn lại, nhịp giảm sau ngắn hơn nhịp giảm trước, nên mức giảm điểm chung cũng ngắn lại. Điều này cho thấy càng ngày lực cầu chực chờ bên ngoài thị trường càng tăng mạnh.

Tìm hiểu tại một số công ty chứng khoán lớn như HSC, MBS…, số dư tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư cuối tháng 10/2021 đều tăng so với thời điểm cuối quý III/2021, cho thấy dòng tiền chờ sẵn trên thị trường chứng khoán rất lớn và tiếp tục có xu hướng tăng trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, cũng như nhiều kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.

Cũng phải nhìn nhận rằng, thị trường chứng khoán tuần qua có sự bứt phá rất mạnh mà nguyên nhân đến từ kỳ vọng gói kích cầu 800.000 tỷ đồng đang xôn xao trên thị trường. Tuy nhiên, trong đợt sóng tăng vừa qua, không phải niềm vui chia đều cho các nhà đầu tư khi danh mục không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Điều này cũng dễ hiểu khi chỉ có nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu có vai trò kéo chỉ số VN-Index trong mấy tuần giao dịch vừa qua là có thể kiếm lời.

“Chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh nhưng nhiều cổ phiếu của nhà đầu tư lại chưa thể về bờ do sự phân hóa mạnh của thị trường. Vì thế, việc chọn lựa danh mục đầu tư cần kỹ càng hơn để có thể tối ưu lợi nhuận”, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng chia sẻ.

Nhóm cổ phiếu bất động sản sau nhiều tuần làm mưa làm gió trên thị trường đang có dấu hiệu chững lại và chuyển hướng. Đối tượng tiếp theo mà nhà đầu tư nên để ý là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có những câu chuyện riêng.

Những cổ phiếu như L14, L18, DIG... tăng đến cả trăm phần trăm mặc dù chưa có những biến chuyển từ nội tại doanh nghiệp. Lời khuyên được ông Khánh đưa ra, nếu nhà đầu tư không nắm rõ “game” của doanh nghiệp thì tốt nhất nên trung thành với những doanh nghiệp lớn, tăng trưởng ổn định như HPG, VHM, VHC…

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa mạnh khi luân chuyển qua các nhóm ngành.

Đối với nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn tập trung tích lũy tài sản thì có thể hướng đến cổ phiếu các nhóm ngành đã giảm giá mạnh trong thời gian qua và được hưởng lợi trực tiếp khi nền kinh tế được mở của trở lại như ngân hàng, bán lẻ và hàng không.

Trong khi, nhà đầu tư ưa thích lướt sóng có thể lựa chọn các nhóm ngành được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế, giải ngân đầu tư công như nhóm xây dựng đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp, thép hoặc xi măng.

Thị trường đang ở chân sóng lớn?

Thị trường thường có những biến động mạnh sau một lần xác lập đỉnh mới, tuy vậy, giới chuyên gia phân tích vẫn nhìn nhận thị trường vẫn có dư địa tăng trưởng trong tháng 11.

Với kết quả kinh doanh quý III/2021, P/E của chỉ số VN-Index đang ở mức hơn 17 lần, cao hơn mức trung bình 14 năm và vẫn thấp hơn mức dự phóng 2021 theo kịch bản cơ sở của nhiều công ty chứng khoán dự báo ở mức 18,3 lần.

Đồng thời, gói kích thích kinh tế 800.000 tỷ đồng cũng là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, cho nên dòng tiền sẽ trở lại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thay vì quá phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng nóng trong thời gian qua.

Tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường đang ở chân sóng lớn và sẽ đạt tối thiểu 1.550 điểm và khả năng cao là 1.650 điểm trước Tết âm lịch.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, chuyển động của thị trường từ đầu tháng 10 đến nay đang diễn ra khá sát dự báo trước đó của MBS, khi trong tháng 10 thị trường đã nâng dần đáy lên và bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 10 nhờ vào nhóm ngân hàng và bất động sản.

“Tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường đang ở chân sóng lớn và sẽ đạt tối thiểu 1.550 điểm và khả năng cao là 1.650 điểm trước Tết âm lịch”, ông Chung nêu quan điểm

Một điểm lưu ý nữa đó là do lãi suất có xu thế giảm, gói kích cầu chuẩn bị bung ra nên dòng tiền nhàn rỗi trong dân chúng đang tăng rất cao và hiện nay không còn kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn bất động sản và chứng khoán.

Vì vậy, theo quan sát của ông Chung, số dư tiền mặt nhàn rỗi (CASA) trên tài khoản chứng khoán rất nhiều nên dòng tiền này sẵn sàng mua ngay bất kể lúc nào thị trường sụt giảm.

Đó là lý do tại sao phiên 3/11 vừa qua, thị trường khớp lệnh kỷ lục mà thân nến lại ngắn hơn các phiên tương tự trong năm 2021. Với dòng tiền khỏe như vậy, thị trường đang báo hiệu chân một con sóng rất lớn phía trước.

Việc thị trường phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu, theo ông Chung, cũng là một dấu hiệu cho thấy thị trường trưởng thành hơn rất nhiều, không còn tăng giảm đồng loạt mang tính “bầy đàn”. Theo MBS, việc dòng tiền luân chuyển khiến thị trường bền vững hơn, hết lớp này lại đến lớp kia nâng đỡ thị trường theo từng nhịp biến đổi của vĩ mô.

“Chúng tôi dự báo nhóm bank và bất động sản sẽ thay phiên nhau nâng đỡ thị trường để đạt mục tiêu 1.550 - 1.650 điểm trước Tết âm lịch và sau đó là 1.900 điểm trong năm 2022”, ông Chung nói và cho biết thêm, theo cách tiếp cận của MBS thì mỗi một nhịp rung lắc mạnh hoặc điều chỉnh sắp tới đây đều là những cơ hội lớn để những nhà đầu tư cầm tiền mặt giải ngân, bởi tiền mặt để không trên tài khoản cũng sẽ bị mất giá so với các tài sản khác.

Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ có hai kịch bản, nhưng sẽ nghiêng về kịch bản chỉ số VN-Index| chinh phục được mốc 1.534 điểm trong tháng 11/2021.

Ở kịch bản tiêu cực, với xác suất thấp hơn, Yuanta đánh giá xác suất thấp ở kịch bản này là chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.363 - 1.380 điểm. Ở kịch bản này, dư nợ margin cao sẽ là yếu tố đáng ngại của thị trường trong tháng 11/2021 nếu lượng nhà đầu tư mới tăng trưởng không còn nhiều.

Hoàng Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-dang-o-chan-song-lon-post284274.html