Thị trường dầu mỏ giảm sút và thách thức đối với các nhà máy lọc dầu
Quý III/2024 ghi nhận sự ảm đạm chưa từng có trong 3 năm qua của thị trường dầu mỏ thế giới. Hợp đồng tương lai dầu thô Brent gần đây dao động ở mức 69,75 USD/thùng khi mở ngày 11/9, chỉ cao hơn một chút so với giá đóng cửa ngày hôm trước và gần chạm mốc thấp nhất trong gần 3 năm qua (69,19 USD/thùng). Điều này đã làm cho gần 500 nhà máy lọc dầu đang hoạt động trên thế giới gặp vô vàn khó khăn. Trong đó, các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Vì sao giá dầu giảm?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá dầu giảm sâu, nhưng nguyên nhân đầu tiên phải kể đến việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) hạ dự báo nhu cầu trong năm nay và năm 2025. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2024 xuống còn 970.000 thùng/ngày và năm 2025 là 950.000 thùng/ngày. OPEC cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay xuống còn 2,11 triệu thùng/ngày (dự báo tháng trước là 2,25 triệu thùng/ngày).
Đầu tháng 9, Ngân hàng Citi dự kiến nếu nhóm sản xuất OPEC+ không cắt giảm sản lượng thêm nữa, giá dầu trung bình có thể giảm xuống còn 60 USD/thùng vào năm 2025 do nhu cầu giảm và nguồn cung tăng từ các nước không thuộc OPEC. Mặc dù giá dầu có thể phục hồi về mặt kỹ thuật, nhưng thị trường có thể mất niềm tin vào OPEC+ trong việc duy trì giá dầu ở mức 70 USD/thùng nếu nhóm không cam kết gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm sản lượng hiện tại.
Các nhà phân tích dầu mỏ tại Commodity Insights gần đây cho biết, họ kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ giảm do nhiều yếu tố, bao gồm mức tiêu thụ xăng giảm ở Mỹ và nhu cầu nhiên liệu máy bay theo mùa thấp hơn. Ngoài ra, nhu cầu yếu từ Trung Quốc tiếp tục gây sức ép lên thị trường. Tính từ đầu năm đến đầu tháng 9/2024, lượng dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 324.000 thùng/ngày.
Các nền kinh tế lớn ở Đông Á cũng giảm nhu cầu. Châu Á hiện là khu vực tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới với 2 nền kinh tế khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ - đây cũng là 2 nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trước đó, khi cuộc chiến Israel-Hamas lan rộng ra khu vực Trung Đông đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu, đẩy giá lên cao hơn. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại và nhiều động thái của các bên hướng tới lệnh ngừng bắn, những nỗi lo về việc gián đoạn nguồn cung dầu thô đã lắng xuống. Vì thế, giá dầu cũng chịu áp lực giảm. Nước sản xuất dầu thô hàng đầu châu Phi là Libya đã nối lại ít nhất một số hoạt động xuất khẩu dầu đã thêm nguyên nhân làm thị trường dầu thô dịu hơn về giá.
Cuối cùng, một loạt các công ty môi giới tỏ ra bi quan về giá dầu thô đã làm tăng thêm áp lực giảm đối với mặt hàng này. Hãng Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu Brent từ 80 USD xuống 75 USD. Bank of America cũng đã điều chỉnh lại triển vọng giá dầu thô trong nửa cuối năm 2024, giảm xuống còn 75 USD/thùng từ mức 90 USD/thùng trước đó. Tương tự, Goldman Sachs cũng đã giảm mục tiêu giá dầu thô xuống còn 80 USD/thùng.
Thách thức đối với các nhà máy lọc dầu
Bên cạnh các yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm như phân tích ở trên thì thị trường dầu thô còn đang phải đối diện với xu hướng chuyển dịch năng lượng, nên nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch xu hướng giảm. Đây là những tác nhân trọng yếu làm giá dầu thế giới giảm trong các tháng gần đây. Giá dầu biến động và giảm nhanh là điều mà bất cứ nhà máy lọc dầu nào trên thế giới cũng phải sợ hãi. Khi điều này xảy ra, nó thổi bay gần như lợi nhuận tích lũy các quý trước đó.
Biên lợi nhuận lọc dầu trên khắp châu Á báo giảm và chạm mốc mức thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này có thể dẫn đến nhiều hạn chế hơn về công suất hoạt động tại các nhà máy lọc dầu châu Á, bao gồm Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, do nguồn cung nhiên liệu đang tăng lên sau khi nhu cầu đạt đỉnh vào mùa hè, tỷ suất lợi nhuận hiện đang ở mức thấp nhất trong 4 năm.
Theo dữ liệu từ LSEG, lợi nhuận lọc dầu tại Singapore đã giảm 68% trong tuần đầu tiên của tháng 9 so với tuần đầu tiên của tháng 8.
Tại Trung Quốc, nhu cầu yếu trong năm nay đã làm giảm sản lượng lọc dầu. Sinopec, nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á, xác nhận mối lo ngại của thị trường về nhu cầu nhiên liệu yếu ở Trung Quốc. Trong khi Sinopec báo cáo lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm tăng 1,7% nhờ sản lượng dầu và khí tự nhiên trong nước tăng, các chỉ số lọc dầu của nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á tính theo công suất đều xấu đi so với nửa đầu năm 2023, phản ánh nhu cầu yếu của Trung Quốc - đặc biệt là dầu diesel.
Hiện tại ở Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu là Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Lọc dầu Dung Quất cũng đang chịu tác động bởi giá dầu biến động. Các nhà máy vừa phải duy trì ổn định sản xuất để đảm bảo nguồn cho thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa phải tìm kiếm các giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn thị trường hiện nay.