Thị trường dầu tuần qua biến động trước loạt dữ liệu mới
Tuần qua thị trường dầu mỏ có nhiều biến động, cả hai loại dầu thô đều có sự tăng giảm trái chiều với mức tăng và giảm không đáng kể.
Những sự kiện nổi bật trên thị trường dầu tuần qua
Xuất khẩu dầu của Venezuela tăng 12%. Cụ thể, xuất khẩu dầu của Venezuela đã tăng 12% trong năm 2023 lên gần 700.000 thùng/ngày, trong bối cảnh Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của quốc gia Caribe này kể từ năm 2019.
Theo báo cáo của Công ty dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA), Trung Quốc, quốc gia chưa bao giờ đình chỉ nhập khẩu nhiên liệu từ Venezuela, là điểm đến chính của mặt hàng này trong năm 2023, chiếm khoảng 65% trong tổng lượng xuất khẩu trung bình 695.192 bpd của quốc gia Nam Mỹ này.
Mỹ nhận 19% khối lượng dầu từ Venezuela (khoảng 135.000 bpd), trong khi các nước ở châu Âu chiếm 4% và Cuba nhập khẩu 8%. Dữ liệu trên cho thấy các quốc gia bao gồm Brazil, Colombia và Panama cũng đã nhận được dầu của Venezuela vào năm ngoái.
Tồn kho tăng cao kỷ lục khiến giá khí đốt tại châu Âu giảm. Tồn kho khí đốt của châu Âu sắp kết thúc mùa đông 2023-2024 ở mức cao gần mức kỷ lục, do nhiệt độ ôn hòa trên toàn khu vực không làm giảm được lượng khí đốt khổng lồ dư thừa từ mùa đông 2022-2023.
Theo dữ liệu do Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) tổng hợp, lượng tồn kho trên khắp Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh lên tới 996 terawatt giờ (TWh) vào ngày 31/12/2023 - một kỷ lục so với năm trước.
Mức tồn kho này cao hơn mức trung bình 10 năm trước là 229 TWh (+30%) và thặng dư đã tăng từ 167 TWh (+18%) kể từ khi mùa sưởi ấm bắt đầu vào ngày 1/10/2023.
Hiện tại không có kịch bản nào trong đó tồn kho của châu Âu sẽ xuống thấp báo động, trước khi kết thúc mùa đông 2023-2024. Trên thực tế, các kho dự trữ của EU và Vương quốc Anh có khả năng sẽ lấp đầy gần 54% vào cuối mùa đông này, với khả năng dao động từ 42-69%.
Ấn Độ giảm nhập khẩu dầu thô của Nga. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết, việc nước này giảm nhập khẩu dầu thô của Nga trong những tuần gần đây là do giá chiết khấu không đủ hấp dẫn, không liên quan đến vấn đề thanh toán trong bối cảnh các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ đối với xuất khẩu của Nga. Ông Puri cho rằng, ưu tiên của Ấn Độ là đảm bảo mức giá rẻ nhất có thể cho người tiêu dùng.
Dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg tổng hợp cho hay, việc thực thi chặt chẽ hơn các lệnh trừng phạt của G7 và các vấn đề thanh toán liên quan đã cản trở việc Ấn Độ mua một số lô dầu thô của Nga, trong đó các tàu chở dầu trước đây hướng đến Ấn Độ giờ quay trở lại phía đông.
Tính đến cuối tháng 11/2023, Ấn Độ vẫn đang xem xét liệu có cho phép tàu chở dầu của Nga hiện đang bị trừng phạt tiếp cận và cập cảng tại một trong các cảng của nước này hay không - một dấu hiệu cho thấy việc Mỹ kiểm soát thương mại dầu thô của Nga có thể hạn chế khả năng mua và nhập khẩu dầu giá rẻ của Ấn Độ.
Thị trường dầu kết thúc tuần tăng giá
Vào đầu tuần (1-2/1) giá dầu thế giới tăng ngay khi mở cửa phiên. Các nhà phân tích dự đoán giá dầu thế giới có thể chạm mức gần 80 USD/thùng trong năm 2024. Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2024 ở mức 72,42 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 78,04 USD/thùng.
Nhu cầu dầu từ Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vẫn chưa phục hồi trong bối cảnh kinh tế nước này suy thoái. Những lo ngại về nhu cầu do nền kinh tế toàn cầu yếu hơn và tồn kho dầu thô tăng ở Mỹ đã khiến giá dầu thô giảm trong tháng 11 và 12/2023.
Giữa tuần (3-4/1) dầu thô tiếp đà tăng giá khi việc ngừng sản xuất tại mỏ dầu hàng đầu của Libya làm tăng thêm lo ngại rằng những căng thẳng địa chính trị đang lan rộng ở Trung Đông và có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu. Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2024 ở mức 73,03 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 78,51 USD/thùng.
Tuy nhiên, vào cuối tuần (5-7/1) giá dầu bất ngờ giảm ở đầu phiên sau đó tăng trở lại vào cuối phiên giao dịch. Ngày 5/1, giá dầu giảm khi tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng mạnh đã làm lu mờ lượng tồn kho dầu thô giảm nhiều hơn dự kiến. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2024 ở mức 72,32 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 77,59 USD/thùng.
Sang đến ngày 6/1 và 7/1, giá dầu tăng trở lại khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tại Trung Đông trong nỗ lực kiềm chế căng thẳng Israel-Hamas. Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2024 ở mức 72,95 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 78,90 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu tuần này đã tăng, giảm đan xen trong các phiên giao dịch và xác lập tuần tăng đầu tiên trong năm 2024. Tại tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023, giá dầu giảm. Tính cả năm 2023, cả dầu Brent và WTI đều giảm hơn 10%.
Giá dầu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố
Nhà phân tích cấp cao Saumil Gandhi thuộc ngân hàng HDFC Securities nhận định: “Các yếu tố như lo ngại về nhu cầu và việc một số quốc gia tăng sản lượng dầu thô sẽ gây áp lực lên giá. Hiện nay, cung đang cao hơn cầu. Trong nửa đầu năm 2024, chúng tôi dự đoán giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 60-65 USD/thùng và 85-90 USD/thùng”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết, những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông có thể khiến dầu thô tăng giá.
Ông Prashant Vasisht, quan chức cấp cao của tổ chức xếp hạng tín nhiệm ICRA cho rằng, sự lan rộng của các cuộc xung đột có thể hỗ trợ giá dầu và trong quý I/2024, giá dầu thô dự kiến sẽ duy trì ở mức 75-80 USD/thùng.
Đồng quan điểm với quan chức ICRA, ông John Kilduff, đối tác của công ty môi giới đầu tư Again Capital LLC (Mỹ) cho hay: “Với những căng thẳng ở Trung Đông, phí bảo hiểm thương mại địa chính trị phải được đẩy lên cao hơn”.
Theo ông Kilduff, một báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy việc làm tăng trưởng trong tháng 12 sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong năm tới.
Trong khi đó, tại Biển Đỏ, các tay súng Houthis ở Yemen tiếp tục tấn công các tàu thương mại, làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể phát triển và đóng cửa các tuyến đường thủy vận chuyển dầu quan trọng như Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư.
Công ty vận chuyển khổng lồ Maersk (MAERSKb.CO) thông báo, họ sẽ chuyển hướng tất cả các tàu ra khỏi Biển Đỏ trong tương lai gần, đồng thời cảnh báo khách hàng về sự gián đoạn vận chuyển hàng.
Theo chiến lược gia về dầu khí toàn cầu Vikas Dwivedi thuộc Tập đoàn Macquarie tại Houston (Mỹ), thị trường dầu giờ đây đã chuyển sang trạng thái chờ đợi, đó là khi thị trường cần đến thêm nhiều yếu tố kết hợp như tồn kho, dự trữ giảm cũng như nhu cầu mua dầu gia tăng.