Thị trường địa ốc xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan
'Với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc…'.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến một số nội dung cho vay bất động sản (BĐS)…
Chính phủ, bộ ngành Trung ương quyết liệt
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và NHNN mới đây, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho rằng Khoản 9, Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) quy định tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh tại thời điểm TCTD quyết định cho vay, là chưa đồng bộ, thống nhất với Điều 55 và Khoản 1 Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Cụ thể, khái niệm "dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" của Khoản 9, Điều 8, Thông tư 39 khác với khái niệm "điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh" của Điều 55 và Khoản 1, Điều 56, Luật Kinh doanh BĐS 2014. Quy định này của Thông tư 39 đã "bít đường" vay tín dụng đối với các dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị, ngay tại thời điểm chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn tín dụng cao nhất để triển khai thực hiện xây dựng các công trình của dự án.
Lý giải thêm về điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng ở thời điểm này, sau khi chủ đầu tư đã bỏ ra khoản tiền rất lớn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng. Lúc này, chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn tín dụng (bổ sung) để đầu tư xây dựng các công trình của dự án. Vậy nhưng, dù dự án đã có đủ pháp lý thuộc giai đoạn thực hiện, nhưng chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nên chưa được phép huy động vốn của khách hàng theo quy định tại Điều 55, Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Từ Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, đến lãnh đạo TPHCM rất quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho BĐS, đang tạo niềm tin cho DN và nhà đầu tư.
"Nếu dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, chủ đầu tư sẽ không vay ngân hàng với lãi suất cao. Bởi lẽ, ở thời điểm này, chủ đầu tư đã được phép mua bán, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, được huy động vốn từ khách hàng. Đây là nguồn vốn rẻ nhất, hiệu quả nhất của DN BĐS do không bị áp lực phải trả lãi, trả vốn gốc, chỉ cần sớm hoàn thành dự án để bàn giao nhà cho khách hàng" - ông Châu nhấn mạnh.
Sau khi dư luận lên tiếng các thông tư trên có nhiều điều bất hợp lý, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã gửi thông tin cho HoREA, với nội dung chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ hoặc đã đủ điều kiện kinh doanh. Trước đó, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết NHNN đã giao Vụ trưởng Vụ Tín dụng kiểm tra lại Thông tư 06 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9-2023) để trích dẫn cho đúng quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Kinh doanh BĐS.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS. Theo đó, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm, việc giải quyết tháo gỡ cần có thời gian và giải pháp kịp thời phù hợp. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý, xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu…
Lãnh đạo TPHCM khẩn trương
Trong các cuộc họp chỉ đạo, xử lý công việc hàng tuần của lãnh đạo TPHCM, chưa bao giờ nội dung “họp chuyên đề nhà đất” lại nhiều như thời gian qua. Có những tuần có đến 4-5 cuộc họp và tại mỗi cuộc họp lãnh đạo TP cùng các sở ngành phải xử lý vướng mắc của 5-6 dự án. Lãnh đạo UBND TPHCM còn trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe các DN trình bày khó khăn, vướng mắc từ các dự án của DN, cũng như những khó khăn chung từ các quy định pháp luật, bước đầu đã đem lại kết quả.
Trong số 156 dự án thuộc diện rà soát pháp lý, cho đến nay có một số dự án của các DN như Sơn Kim Land, Công ty TNHH Gotec Việt Nam, Gamuda Land, CapitaLand và Novaland, được tháo gỡ, để đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng với khoảng 5.432 căn nhà hình thành trong tương lai.
Đặc biệt, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP được thành lập, gồm 14 thành viên do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường làm Tổ phó Thường trực. Tổ công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư do các sở, ban, ngành của TP đang thụ lý hồ sơ, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian. Đồng thời rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
Ghi nhận từ TPHCM và các tỉnh lân cận cho thấy, hoạt động mua bán, chuyển nhượng trên thị trường BĐS bắt đầu có những tín hiệu lạc quan. Ông Lê Tiến Vũ, Tổng giám đốc Cát Tường Land, cho biết sau một loạt nỗ lực từ Chính phủ và các bộ ngành, DN và nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn khi những chính sách bất cập từng bước được tháo gỡ.
“Nhiều dự án của Cát Tường Land khi mở bán đã thu hút nhà đầu tư, khách hàng tham gia. Bên cạnh tiềm năng sinh lời của dự án, pháp lý rõ ràng, yếu tố vĩ mô cũng tác động không nhỏ. Đó chính là lý do khách hàng tìm đến các sản phẩm của chúng tôi” - ông Vũ chia sẻ.
Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, lượt tìm kiếm căn hộ quận Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, quận 9 và quận 10 tăng 5-9%. Nhu cầu tìm thuê chung cư TPHCM cũng tăng 8-17% ở quận 8, quận 9 và Tân Phú. Riêng với phân khúc đất nền, ở một vài khu vực như Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9, lượt quan tâm tìm kiếm ghi nhận tăng 6-7% so với cuối năm 2022. Một số dự án mới tại TPHCM khi mở bán cũng thu hút hàng ngàn khách hàng…